Câu chuyện gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua xảy ra ở một số địa phương cho thấy mối nguy hại liên quan đến vấn đề bằng cấp. Câu hỏi được đặt ra liệu có nền lấy bằng cấp làm trọng khi muốn tìm kiếm tài năng?

42 1 Lay Bang Cap Lam Trong Gian Lan Diem So Ngay Cang No Ro

Chuộng bằng cấp khiến cho căn bệnh thành tích trở nên trầm trọng hơn trong ngành giáo dục? (Nguồn: Tuổi trẻ)

Nếu còn tiếp tục mở rộng điều tra trên nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, tôi nghĩ sẽ còn phát hiện ra không ít trường hợp gian lận như thế. Trách nhiệm trước hết thuộc về ngành Giáo dục, nơi được giao nhiệm vụ “trồng người” cho xã hội. Tuy nhiên, nếu chỉ một mình ngành Giáo dục cũng không làm nổi vì còn có cả một hệ thống các cơ quan pháp luật giám sát rất nghiêm ngặt.

Thật hài hước khi hàng loạt trường đại học trong nước đã và đang chứng kiến các “thủ khoa” năm 2018 được vào trường học danh giá và từng được vinh danh rất hoành tráng nhân ngày nhập trường.

Để rồi các em phải lẳng lặng ra về trong nỗi tủi hổ của chính mình và gia đình. Có thể các em cũng chỉ là nạn nhân của gia đình nhưng tôi không tin, với thực lực của người học, các em lại không biết mình là ai, tại sao điểm thi cao đến vậy? Rồi đây, chất lượng của công tác đào tạo ngay từ đầu vào đã vậy thì xã hội sẽ hỗn loạn đến mức nào?

Chúng ta có thể tin vào một bộ máy công quyền và phục vụ an sinh xã hội khi “ông công an” trong tương lai lại gian lận điểm đầu vào, rồi họ sẽ bảo vệ công lý ra sao?

Khi bác sỹ (ngành học luôn phải đạt điểm cao chót vót so với mọi trường đại học khác) lại không có trình độ thực để cứu chữa người bệnh, họ sẽ mổ kiểu gì khi kiến thức rỗng? Khi thầy giáo vốn gian lận điểm để đậu trường sư phạm thì nhân cách họ liệu có không để “gõ đầu trẻ” nên người?

42 2 Lay Bang Cap Lam Trong Gian Lan Diem So Ngay Cang No Ro

Tác giả Quốc Phong. (Ảnh: NVCC)

Tôi không có ý phủ nhận “sạch trơn” những thành tựu giáo dục có được của đất nước ta hôm nay với rất nhiều điểm sáng đáng ghi nhận. Nhưng tôi không thể không băn khoăn khi trong thực tế có rất nhiều trường hợp gian lận điểm thi để vào học các trường khi người thân của họ chạy điểm đến… tàn bạo. Họ nâng điểm của 3 môn để bỗng nhiên lẽ ra chỉ có 3-4 tổng điểm lại trở thành thủ khoa đại học, thử hỏi không giật mình sao được? Tiêu biểu, thí sinh N.A.T (Sơn La) có môn thi 0 điểm biến thành 9. Thậm chí khủng khiếp hơn, thí sinh N.H.Q. (Hòa Bình) có hai môn (Lý và Hóa) đều 0 điểm nhưng được “hô biến” thành 9 và 9,25. Tổng điểm chênh lệch cả 3 môn của thí sinh này lên tới gần 27 điểm…

Để chấm dứt hiện tượng gian lận thi cử như trên, tôi nghĩ pháp luật cần nghiêm trị những ai lạm dụng quyền lực để “tác oai tác quái”, bất kể họ là ai. Ngay cả người thân, ai đứng ra lo lót để con em mình đỗ cũng cần nghiêm trị thẳng tay.

Vì đâu, không ít người đi học bằng nọ, mác kia trong khi kiến thức hạn chế? Tôi thấy rất lạ là sao ở nhiều nước, họ không chuộng bằng cấp như nước ta? Bằng cấp của người lãnh đạo không được họ xem trọng bằng thực lực trong khi đất nước họ lại rất văn minh, kinh tế và khoa học kỹ thuật nước họ phát triển đến mức ngạc nhiên.

Trong đó phải kể đến Cộng hoà Áo - được mệnh danh là quốc gia đáng sống nhất. GDP cũng vào diện cao ngất ngưởng của thế giới, ấy thế mà ông Sebastian Kurz mới chỉ 31 tuổi nhưng đã được dân tín nhiệm bầu làm lãnh đạo quốc gia (Thủ tướng).

Vị Thủ tướng 31 tuổi năm nào ở nước Áo, sau vài năm điều hành Chính phủ, giờ ông đang trở thành hiện tượng và cũng là biểu tượng truyền cảm hứng cho giới trẻ. Sebastian Kurz cũng là vị Thủ tướng trẻ nhất trên thế giới, do người dân bầu lên chứ không phải theo lối “cha truyền con nối”.

Nói ông Sebastian Kurz trẻ nhất bởi trước đó, ngay như bà Bena zir Bhuto (Thủ tướng Pakistan) cũng đã 35 tuổi; ông Emanuel Macron (Thủ tướng Pháp) cũng 39 tuổi khi nhậm chức. Điều đáng nói, Sebastian Kurz chưa có bằng đại học, cũng không phải con nhà nòi chính trị mà ông thuộc tầng lớp bình dân và lại rất trẻ.

Sebastian Kurz có tài năng và thực sự có khát vọng muốn đổi thay ở một quốc gia châu Âu như nước Áo. Tuy chỉ mới có mấy năm bước vào chính trường, chính trị gia trẻ tuổi này đã kinh qua nhiều vị trí, từ một đảng viên đi vận động tranh cử bằng cách phát bao cao su và rất gây ấn tượng trong dân chúng. Thế nhưng chàng trai ấy vẫn thất bại cho đến lúc ở vị trí cao là bộ trưởng sau này với đầy trải nghiệm, nhiều thực tiễn mà báo chí cho rằng thật không dễ tìm ra một người có tố chất làm lãnh đạo như ông.

Những chính kiến, hành động cụ thể của ông đã khiến dân chúng và lớp trẻ thực sự phải tin vào ông ta là người có tài năng đích thực, không phải là thứ trái cây "chín ép", gượng gạo nhờ bàn tay sắp đặt, thoả hiệp.

Nhìn người lại ngẫm đến ta, có phải chúng ta đang có vấn đề khi còn đặt nặng chuyện bằng cấp đến mức cứng nhắc? Thực ra, chỉ trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học mới cần thiết bằng cấp dạng học thuật đến như vậy, còn trong các lĩnh vực khác, theo tôi chỉ nên chừng mực. Có cần thiết không khi một cán bộ cấp phòng ở huyện cũng là tiến sĩ, trong khi cái thứ tiến sĩ ấy lại không hề dính dáng đến công việc người đó đang đảm trách?

Qua những câu chuyện buồn về gian lận điểm số vừa qua, thiết nghĩ, đừng biến tấm bằng trở thành tấm vé cho những vị trí lãnh đạo, xem như tấm áo khoác lộng lẫy. Đã đến lúc chúng ta cần thiết phải coi lại quyền năng của bằng cấp. Khi không còn chạy theo bằng cấp, hẳn những chuyện gian lận điểm số sẽ không nở rộ như vậy…

Quốc Phong

Báo Thế giới và Việt Nam

 

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC