Tôi đồng tình với quan điểm của tác giả bài viết "Du lịch ăn xổi ở Sa Pa, Đà Lạt".
Muốn trả lời cho câu hỏi "phát triển du lịch theo hướng nào?", chúng ta cần đi tìm lời giải cho câu chuyện "khách du lịch đến Sa Pa, Đà Lạt vì điều gì?". Tại sao các "thôn cổ trấn" tại Trung Quốc vẫn đều đặn có khách đông dần đều? Tại sao tới Italy, người ta luôn ghé thăm cái tháp nghiêng sắp sập? Tại sao tới Đan Mạch, du khách lại chọn đến các ngôi làng cổ đại để tham quan?
Cứ nhìn những quốc gia nổi tiếng về du lịch trên thế giới, chúng ta có thể thấy cách họ đang làm du lịch và định hướng thế nào? Tại sao người ta lại chọn tới những nơi như vậy cho cực khổ?
Người dân ở đó chắc sẽ nghèo lắm vì không được đầu tư hay xây dựng hiện đại, không có trung tâm thương mại để hút khách... Nhưng tại sao đó vẫn là những điểm đến lý tưởng, nằm trong top những lựa chọn hàng đầu suốt bao năm qua?
Vì sao phần lớn du khách tới Trung Quốc lại đi tới các cổ trấn trăm năm tuổi. Vì sao tới châu Âu, nhiều người lại tìm về các thành phố cổ lâu đời... Vì sao cách đây 10 năm ai cũng khen Đà Lạt, khiến nó nổi tiếng, còn bây giờ nhiều người lại chê "mất chất"?
Quay trở lại vấn đề của du lịch Việt Nam, tại sao bạn lại chọn lên Đà Lạt, Sa Pa du lịch? Cách đây 10 năm, nơi này vẫn nghèo, hoang sơ, nhưng người ta vẫn ùn ùn kéo đến và say đắm vẻ đẹp thiên nhiên tại đây. Không giống các thành phố lớn hiện đại như Nha Trang, Phan Thiết, Đà Nẵng..., Đà Lạt và Sa Pa luôn có những điểm nhấn riêng để khiến người ta phải lưu luyến. Thế nhưng, nhìn những thay đổi của hai vùng đất này hiện nay, tôi tự hỏi 10 hay 50 năm sau, liệu Đà Lạt hay Sa Pa có còn là lựa chọn của khách du lịch nữa không?
Với sức tàn phá thiên nhiên như hiện nay, có lẽ người ta sẽ chọn các điểm đến mới, còn hoang sơ hoặc thật hiện đại, tiện nghi để du lịch, chứ không phải tới một nơi nửa vời, tân không ra tân, cổ không ra cổ như vậy.
Đà Lạt giờ khí hậu bớt se lạnh. Thành phố mây mù, không biết tới nắng gắt là gì... giờ nhiều ngày mới 9h sáng thôi đã có nắng gắt rồi. Nhiều rừng thông, đồi thông bị để xây dựng biệt thự, khách sạn cao cấp. Một công trình nổi tiếng mang kiến trúc Pháp, hòa mình vào rừng thông, tạo nên khung cảnh cổ điển lãng mạn, giờ cũng bị đề xuất phá bỏ, nâng cao, đôn nền để bên dưới phát triển nhà cao tầng, trung tâm thương mại... Có người còn cho rằng "bảo tồn quá khứ thì lấy gì để phát triển?"...
Tất cả tạo nên một mớ hỗn độn không còn chất riêng nữa.
Trong khi đó, nhìn sang Trung Quốc, các nước châu Âu, thậm chí cả châu Phi, tất cả đều có các thành phố cổ kính, các thị trấn trăm năm, nghìn năm tuổi nhưng vẫn giữ lối kiến trúc đó, văn hóa đó... để tạo nên điểm nhấn khác biệt, hút khách du lịch đến tham quan tạo nguồn thu. Họ không chạy đua xây dựng những thành phố hiện đại để phục vụ cho công việc, phục vụ ngành công nghiệp.
Tất nhiên, không ai phản đối sự phát triển và hiện đại hóa nhưng phái có quy hoạch bài bản, không ai phản đối việc xây dựng khách sạn hoành tráng ở khu trung tâm. Người ta cải tạo, xây dựng mới chợ Đà Lạt một cách hoành tráng, đâu ai nói gì? Những công trình như vậy, người dân còn vui mừng là khác. Nhưng quy hoạch phải làm sao cho đúng và hợp lý. Không phải cứ phá rừng để xây khách sạn, resort, các công trình bê tông một cách tràn lan.
Nếu đánh mất đi những nét riêng làm nên đặc trưng, biểu tượng của địa phương, tôi tin sẽ chẳng ai còn muốn đến. Đà Lạt không còn rừng thông, các dinh thự cổ mang kiến trúc Pháp thì còn gì để ghé thăm? Phố cổ Hội An mà cứ lởm chởm vài căn nhà lầu, xe hơi trong đó thì ai thèm du lịch?
Đâu chỉ riêng Việt Nam, hãy nhìn ra thế giới mà xem, thành cổ Rome, tháp nghiêng Italy, làng cổ tại Hà Lan, Thụy Sỹ, trấn cổ ở Trung Quốc... đều được phục dựng nguyên bản để phát triển du lịch. Nhật Bản, Hàn Quốc... là những quốc gia phát triển, nhưng họ vẫn giữ gìn và bảo tồn những cung điện, di tích cổ để phát triển du lịch rất thành công. Đó mới chính là những hình mẫu mà chúng ta cần học hỏi để làm du lịch bền vững.
Quy hoạch về tầm nhìn du lịch đáng lý ra phải dài gấp cả trăm lần tầm nhìn về quy hoạch hạ tầng đô thị. Tiếc rằng, nhiều địa phương vẫn không nhận ra điều đó, để rồi vội vã đô thị hóa, bê tống hóa, thẳng tay phá nát quy hoạch, thiên nhiên, vô tình đánh mất luôn những giá trị cốt lõi của du lịch nước nhà.
Đỗ Anh Tuấn