Một trong những giải pháp thoát hiểm được chính quyền Hà Nội đưa ra với tầng 26 của toà chung cư CT1 Xa La (Phúc La, Hà Đông), nếu xảy ra cháy, là đu thang dây xuống tầng dưới hoặc xuống đất.

Chung cư trên là một trong 17 công trình tồn tại vi phạm phòng cháy chữa cháy khó khắc phục tại Hà Nội.

Và việc đu thang dây từ tầng 26 xuống là một “giải pháp thay thế” mà chính quyền đề xuất với người dân.

Khi báo chí thắc mắc tại sao lại hạ chuẩn PCCC của những công trình này, thì giám đốc Sở cảnh sát PCCC Hà Nội Hoàng Quốc Định nói đây không phải “hạ chuẩn” mà là “có những tiêu chuẩn tăng cao hơn, trên góc độ chuyên môn kỹ thuật để chấp nhận được”.

Từng tới hiện trường đưa tin về nhiều vụ cháy, nhưng tôi chưa được nhìn thấy lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đu thang dây từ tầng 26 xuống đất. Nên tôi cũng không tưởng tượng hình ảnh người dân, bao gồm cả người già, trẻ nhỏ làm thế nào để thoát hiểm bằng chiếc thang dây ở độ cao 70 - 80m.

Giải pháp ấy, từ góc độ kỹ thuật “có thể chấp nhận được” hay không, tôi không phải là nhà chuyên môn kỹ thuật để phán xét. Nhưng từ góc độ thông tin thì ứng xử của Hà Nội với những tòa nhà không đạt chuẩn PCCC khiến người quan sát lo ngại.

Những thông tin từ nhà chức trách đang nhảy múa. Trong cùng ngày 3/4, lãnh đạo Sở PCCC đưa ra 3 con số khác nhau về các chung cư vi phạm PCCC.

Tại một cuộc họp của Thành uỷ buổi sáng, Phó giám đốc Sở PCCC cho hay, còn 31 chung cư vi phạm.

Công bố tại cuộc họp báo chiều cùng ngày, Giám đốc sở này nói chỉ còn 28 chung cư vi phạm. Nhưng khi bị báo chí chất vấn ngay sau buổi họp, chính ông lại đưa ra con số “còn 29 chung cư vi phạm”.

Trước đó một tuần, một Phó giám đốc khác thông tin với Hội đồng Nhân dân, là còn 38 chung cư vi phạm.

Người Hà Nội đu dây - 0

Câu chuyện phòng cháy chữa cháy tại chung cư đang là tâm điểm dư luận, trong bối cảnh vụ cháy chung cư Carina ở TP HCM gây hậu quả nặng nề.

Tuy nhiên mẫu số chung đằng sau những phát biểu là sự bất lực với những chung cư chưa được nghiệm thu PCCC đã cho người dân vào ở.

Tại Nam Từ Liêm, đại diện phòng cảnh sát PCCC số 3 cho rằng chỉ có thể cưỡng chế tầng thương mại và văn phòng, các tầng có cư dân muốn cưỡng chế phải nghiên cứu kỹ luật.

Tại Thanh Xuân, chủ tịch quận tuyên bố lỗi trước hết thuộc về chủ đầu tư và chính người dân và quận “không thể cử người đứng canh cửa chung cư 24/24 giờ” để ngăn dân vào ở.

Và câu chuyện không chỉ dừng lại ở các chung cư thương mại.

Từ nhà lô, chung cư mini, nhà tái định cư, tất cả đều có một lược sử rất đáng ngại về phòng cháy.

Cuối năm 2015, sau khi kết thúc giám sát PCCC ở các toà chung cư tái định cư, Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân từng đưa ra cảnh báo vi phạm phòng cháy ở những công trình này “đáng báo động ở mức nguy hiểm”.

Ông dùng từ “thảm hoạ” nếu xảy ra cháy ở chung cư tái định cư.

Gần 3 năm sau, lãnh đạo Xí nghiệp quản lý và phát triển nhà Hà Nội, đơn vị quản lý chung cư tái định cư, vẫn giãi bày rằng tất cả chung cư tái định cư trên địa bàn thành phố vẫn đang “có vấn đề về PCCC”.

Phó Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Văn Sửu khi làm việc với Sở PCCC từng dẫn ví von của báo giới về “những chiếc quan tài úp” khi mô tả nguy cơ cháy nổ ở những ngôi nhà mặt đất được xây theo kiểu lô cốt, không lối thoát hiểm. Hà Nội hiện còn khoảng nửa triệu ngôi nhà như vậy.

Lãnh đạo Sở PCCC khuyên người dân “tẩy chay” không mua chung cư mini vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trong đó có PCCC. Nhưng Hà Nội chưa bao giờ đưa ra con số chính thức về số lượng chung cư mini trên địa bàn. Cũng không hề có một cuộc giám sát riêng nào về loại hình căn hộ này.

Trong khi chính quyền vẫn đang bàn cách quản lý, hàng trăm chung cư mini đã kịp mọc lên, hàng chục nghìn người vẫn phải đánh đu tính mạng mình, họ không thể “tẩy chay”, họ cần một nơi ở phù hợp với túi tiền họ có.

Với từng ấy vấn đề được phát hiện rồi kéo dài nhiều năm, Hà Nội cần nhiều giải pháp thay thế cho nhiều thứ không đạt chuẩn.

Nếu cần một ví dụ về “giải pháp thay thế” hiệu quả trong chữa cháy, tôi chỉ mới được chứng kiến một lần.

Đó là khung cảnh vụ cháy chợ Quang ở Thanh Trì hồi tháng Ba. Hôm ấy, lực lượng cứu hoả đã phải huy động xe rửa đường tiếp nước để chữa cháy.

Lý do của giải pháp sáng tạo và cơ động này:

Hà Nội vẫn đang thiếu tới 3.500 trụ đường tiếp nước, thứ hạ tầng cơ bản nhất trong PCCC.

Và để thực hiện được các “giải pháp thay thế” trong tình huống khẩn cấp, thì không phải ai cũng đủ bản lĩnh.

Trong trận đấu mở màn V–League 2018 giữa Hà Nội và Hải Phòng trên sân Hàng Đẫy, hình ảnh ấn tượng với tôi hôm đó không phải khán giả lấp đầy sân hay bàn thắng duy nhất của trận đấu. Đó là hình ảnh người lính cứu hoả dùng chân đá quả pháo sáng - được ném xuống sân từ cổ động viên Hải Phòng - vào đường biên.

Người lính cứu hỏa ấy đã được đào tạo cẩn thận, để có bản lĩnh phản ứng với ngọn lửa, nhưng cũng không tránh được một phản ứng bột phát với quả pháo sáng trước mặt mình.

Anh không thể bình tĩnh xử lý, mà đá nó ra xa.

Chính giây phút ấy, trong đầu tôi bật ra câu hỏi, nếu chung cư cháy, một người dân bình thường liệu có thể bình tĩnh đu mình trên sợi dây từ độ cao 80m để thoát thân như một giải pháp thay thế mà nhà chức trách đã gợi ý?

Võ Hải - VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC