Nhiều đình chùa còn phải trưng biển yêu cầu về trang phục đối với người đi hành lễ nhằm hạn chế những người ăn mặc phản cảm, không phù hợp với không gian.
“Cần phải giáo dục lại cho người Việt văn hóa đi lễ, đi chùa nhất là đi lễ hội”, đó là câu nói của một chuyên gia văn hóa khi được hỏi về tình trạng đến hẹn lại chen' ở những lễ hội, chùa chiền của nước ta dịp đầu năm.
Có rất nhiều định nghĩa về lễ hội, nhưng hiểu một cách dân gian lễ hội là một sự kiện văn hóa thường diễn ra vào dịp đầu năm mới, ở đó có phần lễ và phần hội.
Đây là thời điểm và không gian để người dân bày tỏ tín ngưỡng của mình đồng thời cũng là một dịp để kết nối cộng đồng, nghỉ ngơi thư giãn cho người dân.
Do công việc của một phóng viên, tôi có nhiều năm tham dự nhiều lễ hội trên cả nước. Điển hình nhất là lễ hội khai ấn Đền Trần.
Những năm trước khi ấn chưa được phát tràn lan như ngày nay, đêm khai ấn quả thực là một sự hỗn loạn không thể kiểm soát.
Mặc cho lực lượng chức năng dựng hàng loạt rào chắn, dây thép gai, mặc cho an ninh tượng thắt chặt và tăng cường, sau giờ phát ấn tất cả đều bị một lượng người khổng lồ tràn qua dẫm đạp.
Những năm sau đó, ấn được phát rải rác cả ban ngày nên tình trạng này đã giảm đi trông thấy, nhưng việc cướp lộc trên mâm thờ hay trên kiệu vẫn không năm nào thiếu.
Mà cứ gì ở Đền Trần, ngay ở thủ đô Hà Nội lễ hội vẫn còn tình trạng trai làng lao vào kiệu để giành lộc, họ quan niệm “Lộc cầm tay vận may sẽ đến”, chẳng biết may đến đâu nhưng tình trạng sứt đầu mẻ trán thì đã có.
Dường như trong tín ngưỡng mù mờ của người dân, họ có một quan điểm rằng để lấy được lộc ấy, vận may ấy thì càng vất vả, càng quyết tâm thì thánh thần càng chứng cho mà ban may phát phúc.
Vậy là lễ hội là cơ hội của những người chực chờ giật cướp một thứ vận may vô hình nào đó.
Lễ hội là của nhân dân, xuất phát từ tín ngưỡng của nhân dân, do nhân dân thực hiện và phục vụ nhân dân.
Ấy thế nhưng, có mặt ở Đền Trần đêm khai ấn mới thấy rõ một thực tế xót xa, lễ hội đã không còn là của nhân dân theo đúng nghĩa của nó.
Người dân bị cách ly ra hoàn toàn khỏi phần lễ, chỉ một bộ phận nhỏ những người có trách nhiệm mới được tham gia vào cộng việc khai ấn.
Cũng chẳng trách được ban tổ chức, với từng ấy con người đổ về thì khu vực hành lễ dù có rộng như một sân bóng đá cũng không thể tránh khỏi tình trạng chen lấn, hỗn loạn.
Đi lễ chùa, lễ hội đầu năm xưa kia thường gắn liền với yếu tố tâm linh tự thân của người đến, họ đến với đền chùa để cầu may mắn bình yên cho mình và người thân, ngoài ra đến với đền chùa còn là đến với một không gian thanh tịnh, nơi con người có thể tách khỏi những xô bồ cuộc sống, bon chen thị thành để đắm mình vào không gian tĩnh mịch.
Ấy thế nhưng, chùa chiền những ngày xuân còn đâu những cảnh ấy nữa, đâu đâu cũng thấy những dòng người chen nhau nhích tường bước một lên.
Có lễ hội, dòng người kéo dài dằng dặc hàng km, người đi lễ từ sáng mà đến chiều mới lên được đến nơi cần đến, đến nơi rồi bất giải phải reo lên: “Ơn chùa tôi đến đây rồi”.
Thanh tịnh không còn nữa, chỉ còn những nhớp nhúa mồ hôi lôi thôi đồ lễ.
Ấy là tâm thế đi chùa, còn trang phục đi chùa.
Nhiều đình chùa người ta còn phải trưng biển yêu cầu về trang phục đối với người đi hành lễ nhằm hạn chế những người ăn mặc phản cảm, không phù hợp với không gian.
Thế nhưng, thỉnh thoảng vẫn lọt vào đó những thanh niên ăn mặc theo kiểu “Đón gió phất phơ, chiều gió lộng”, ngắn đến không thể ngắn hơn để tung tăng đi lễ.
Nhiều người đi lễ chuyển hóa lòng thành của mình thành những tờ tiền lẻ mới cứng, âu cũng là một cách vật chất hóa lòng thành.
Nhà chùa cũng đã bố trí một lực lượng tương đối dồi dào các hòm công đức, nhưng dường như sợ tiền công đức của mình không đến được tay thần thánh, người đi lễ sẵn sàng nhét tiền vào tận tay hay dí tận miệng các tượng Phật tạo ra những bức tranh hết sức nhôm nhoam.
Lý giải về thực trạng này, GS Trần Lâm Biền từng nói: “Chúng ta quên một công việc quan trọng trong văn hóa, đó là giáo dục tâm linh. Bởi vì những người quản lý tín ngưỡng bị rơi vào vòng xoáy kinh tế.
Họ quên, thậm chí không hiểu về bản chất của tâm linh để giáo dục chúng sinh. Để chúng sinh càng mù mờ bao nhiêu càng làm lợi cho kẻ buôn thần bán thánh”.
Một khi người dân vẫn nghĩ thần thánh theo kiểu những người hành nghề y hay vòi phong bì thì nạn rải tiền cầu lộc ắt vẫn còn là chuyện còn lâu mới hết.
Theo Khám phá