Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La Hoàng Tiến Đức đã góp phần "phá nát" một kỳ thi quốc gia nên không thể "hạ cánh" về hưu, mà phải đình chỉ công tác để phục vụ điều tra.
Theo tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Sơn La, ông Hoàng Tiến Đức, giám đốc sở này, sẽ không tham gia công tác thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2019, vì ngày 1-7 sẽ nghỉ hưu theo chế độ (ông Đức sinh tháng 6-1959).
Điều này đồng nghĩa ông Đức được "hạ cánh an toàn" sau vụ gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018 ở Sơn La gây chấn động dư luận (!?). Đến nay, vụ án này đã có 8 bị can bị khởi tố, trong đó có cấp dưới trực tiếp của ông Đức là ông Trần Xuân Yến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT.
Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La Hoàng Tiến Đức (bìa phải) - Đồ hoạ: Anh Thanh
Đáng chú ý, trong vụ án này, ông Trần Xuân Yến - người nhận sửa giúp bài thi để nâng điểm cho 13 thí sinh – đã khai được giám đốc sở Hoàng Tiến Đức nhờ nâng điểm cho 8 em.
Đây chỉ mới là giai đoạn 1 của vụ án. Giai đoạn 2 của vụ án chắc chắn vai trò của ông Giám đốc Sở GD-ĐT Hoàng Tiến Đức sẽ được làm rõ cùng với nhiều tình tiết quan trọng khác.
Dư luận ngạc nhiên là trong vụ án này, với tư cách là người đứng đầu, là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia tại địa phương, ông Hoàng Tiến Đức vẫn "bình an", trong khi vụ án kết thúc giai đoạn 1 với 8 bị can bị khởi tố.
Ông Hoàng Tiến Đức không thể "hạ cánh an toàn" trong lúc này được, mà phải bị đình chỉ công tác để phục vụ công tác điều tra mới hợp lý.
Rộng hơn, tương tự với vụ gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018, lãnh đạo Sở GD-ĐT các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang cần phải bị đình chỉ công tác, không thể tiếp tục là người đứng đầu chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia cuối tháng 6 này sau khi để xảy ra kỳ thi bê bối như năm ngoái.
Dư luận còn lên tiếng đề nghị các quan chức có con em được nâng điểm phải bị đình chỉ công tác để phục vụ việc điều tra. Họ hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự bởi chẳng ai "gắp điểm bỏ tay người"! Nếu làm được như vậy, người dân mới tin rằng vấn nạn tiêu cực trong ngành giáo dục đang được giải phẫu một cách nghiêm túc.
Ngày 23-4, tại buổi làm việc của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội với các Bộ GD-ĐT, Bộ Công an về tình hình gian lận tại kỳ thi THPT quốc gia 2018, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên thường trực của Ủy ban này, đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp với cơ quan điều tra và địa phương xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm khắc người đứng đầu ngành giáo dục và Ban chỉ đạo kỳ thi tại Sơn La, Hà Giang và Hòa Bình. Bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng vụ gian lận phức tạp, sai phạm khá tinh vi nhưng tiến độ xử lý còn chậm, một số vấn đề chưa được làm sáng tỏ khiến dư luận tiếp tục bức xúc.
Vậy mà đến nay, Bộ GD-ĐT và các cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý trách nhiệm người đứng đầu ở 3 sở GD-ĐT địa phương nêu trên là vì sao?
Thực tế ngay cả các cơ quan điều tra liên quan cũng xử lý vụ án rất chậm. Tại Sơn La, đến ngày 24-5, VKSND tỉnh Sơn La mới đề nghị khởi tố 8 bị can. Tức là vụ việc kéo dài gần 1 năm mới có kết quả điều tra giai đoạn 1. Dư luận cũng đặt câu hỏi vậy giai đoạn 2 bao giờ bắt đầu và bao giờ có kết quả điều tra, khi mà các mấu chốt của vụ án gần như đã được lộ diện?
Dư luận có cảm giác các địa phương liên quan không chỉ chậm chạp mà còn có vẻ thờ ơ với vụ án này. Chiều 28-5, liên quan đến vụ án gian lận thi cử ở Sơn La, nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi với bà Tráng Thị Xuân - đại biểu Quốc hội thuộc đoàn tỉnh Sơn La, quyền chủ tịch UBND tỉnh Sơn La - nhưng bà Xuân đã nhiều lần không chịu trả lời. Chẳng lẽ quyền Chủ tịch tỉnh Sơn La không có trách nhiệm gì trong vụ án này, khi mà vụ án đã đến hồi lộ ra những mắc xích ngày càng gây chấn động dư luận?
Ngay cả việc giao cho cơ quan điều tra địa phương điều tra gian lận thi cử của địa phương như ở Sơn La và Hà Giang cũng là điều bất cập.
Vụ gian lận thi cử này là nỗi xấu hổ của ngành giáo dục, làm suy giảm niềm tin, gây hoang mang dư luận. Nếu không được xử lý nghiêm, không chỉ thượng tôn pháp luật bị thách thức mà uy tín của cả nền giáo dục quốc gia cũng chẳng còn gì. Đây cũng là cơ hội để ngành giáo dục chấn chỉnh những bất cập lâu nay để xây dựng một hệ thống giáo dục chất lượng, công bằng và trung thực.
Lưu Nhi Dũ
Nguồn: Báo điện tử Người Lao Động