Ảnh - koreaairlines
Tôi không nhớ đã đọc từ bao giờ trên mặt báo, nhưng chắc chắn rằng, đó là vào những năm mà GDP Việt Nam mới tăng trưởng khoảng 5-6% và đạt con số khoảng 200 tỷ USD, mà ngân sách nhà nước đã chi sai, chi chưa đúng tới con số 5 tỷ USD (chiếm khoảng 2-3%).
Mấy năm trở lại đây, Việt Nam siết chặt chi tiêu công, các chi thường xuyên chưa phù hợp đã tiết kiệm hơn nên con số này cũng có thể giảm đi. Song, tôi nghĩ, Chính phủ vẫn có thể siết mạnh thêm nữa rồi nhờ đó, hy vọng GDP sẽ tăng trưởng hơn con số dự báo khoảng 6,7% của năm 2018 này nhiều.
Báo chí vừa dẫn lời tiến sĩ Lê Đăng Doanh kể một câu chuyện không thể làm ta không suy nghĩ.
"Có rất nhiều khoản chi trùng lặp, không cần thiết khiến chi thường xuyên tăng cao, quá sức chịu đựng của ngân sách nhà nước" - TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương tỏ ra lo ngại.
Dẫn chứng về các khoản chi không cần thiết, TS Lê Đăng Doanh kể trong buổi tọa đàm về chi ngân sách năm 2019 rằng: "Trong cùng một chuyến công tác từ Hà Nội đi TP.HCM, thứ trưởng của chúng ta thì ngồi hạng thương gia, trong khi lãnh đạo của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cùng với đại sứ của các nước đang cho chúng ta vay tiền đều ngồi ghế hạng phổ thông... Tôi cũng chính là người tham gia chuyến bay và cũng ngồi cùng hạng phổ thông với họ".
Kể lại điều này, ta thấy rõ nghịch lý "nước đi vay tiền thì xài sang, quan chức ngồi ghế hạng thương gia. Còn quan chức cơ quan cho vay tiền thì ngồi hạng phổ thông".
Mới đây, khoảng trung tuần tháng 10, tôi vô tình được chứng kiến cảnh khách hàng của Vietnam Airlines mua vé hạng thương gia bị đẩy xuống hạng phổ thông đặc biệt chỉ vì chuyến bay ấy có khách VIP đi công tác đột xuất. Anh bạn tôi tranh luận với đại diện hãng bay vì cho rằng ai mua vé trước thì có quyền ngồi ghế đó, cớ gì lại xử lý bất bình đẳng vậy?
Nhưng rồi, vì cũng là chỗ quan hệ thân tình với lãnh đạo hãng bay nọ nên vị khách không đôi co nhiều mất công vì ông quá hiểu và chia sẻ cái khó của họ. Bản thân lãnh đạo hãng cũng cơ cực vô cùng mỗi khi có chuyện tương tự…
Tôi không ngờ, chỉ nội tiền chênh giữa hạng business (thương gia) với hạng premium (phổ thông đặc biệt) đã là trên 44 triệu đồng (chặng bay Hà Nội đi Paris).
Qua đó đã cho thấy nhiều điều phía sau câu chuyện tiết kiệm chi tiêu từ ngân sách nhà nước nhân câu chuyện mà TS Lê Đăng Doanh kể trên.
TS Lê Đăng Doanh cho biết, luật pháp các nước quy định rất chặt chẽ việc quan chức nhà nước đi công tác bằng máy bay.
Ví dụ như trong các chuyến đi công tác chặng dài phải bay từ 5 giờ đến 8 giờ thì mới được ngồi hạng thương gia để đảm bảo khi đến nơi có đủ sức khỏe và làm việc được ngay.
Còn những chặng bay ngắn thì đi hạng phổ thông, kiểu như bay chặng Hà Nội vào TP.HCM do chỉ mất 1 giờ 45 phút thì không cần phải đi hạng thương gia.
Nói về quy định, về quy chế chi tiêu thì rõ ràng việc chi mua vé hạng business cho cấp thứ trưởng và tương đương ở nước ta không hề sai. Nó đã có trong quy định do Bộ Tài chính ban hành từ rất lâu.
Tôi nhớ, trong một chuyến đi công tác tại Australia hồi năm 2000, một chuyên viên là người của Hội đồng Giao lưu Chính trị Quốc gia Australia dẫn đoàn chúng tôi đi máy bay từ thủ đô Canberra về thành phố Melbourne. Anh đã nói thầm với chúng tôi rằng người đang ngồi rất gần đoàn chúng tôi khi chờ lên máy bay là ngài Phó Thủ tướng Australia. Ông cũng đi hạng phổ thông để về nhà nghỉ dịp cuối tuần vì nhà ông không ở thủ đô. Như vậy, họ rất rạch ròi chuyện công tư và cũng không câu nệ chuyện quan chức thì phải thế này thế nọ.
Còn nước ta, tuy cũng đã ban hành cấp nào trở lên thì được đi công tác bằng máy bay, loại ghế nào, nhưng trong thực tế, họ đều có thể lách quy chế bằng cách “đi công tác đột xuất, gấp” cho nên nhiều khi chỉ là chuyên viên thường, họ cũng đi máy bay mà không đi tàu hỏa.
Tôi nhớ cách đây dăm năm, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra yêu cầu mọi lãnh đạo và cán bộ trong ngành đi máy bay giá rẻ. Chỉ nội chuyện này mà nghe nói một năm thôi đã đỡ cho ngân sách chi thường xuyên của bộ nhiều tỷ đồng.
Tôi vẫn nhớ năm 2006, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sang Việt Nam tham dự APEC bằng Singapore Airlines, khi trở về ông lại chọn hãng Tiger Airway giá rẻ.
Chi phí cho chuyến bay về Đảo quốc Sư tử của ông và 10 tùy tùng khác chỉ vỏn vẹn 12 triệu đồng quy ra tiền Việt.
Đành rằng kinh tế nước nhà đã và đang có những chuyển động tích cực đáng ghi nhận.
“Khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam và các nước đã thu hẹp đáng kể. Nếu như vào đầu thập niên 1990, thu nhập đầu người của Singapore cao hơn 125 lần so với Việt Nam, thì nay chỉ còn 24 lần; Thái Lan từ gấp 16 lần Việt Nam nay chỉ còn 2,5 lần; Nhật Bản từ 267 lần thì nay còn khoảng 16 lần; Hoa Kỳ từ 252 lần xuống còn 25 lần; các nước OECD từ 184 lần xuống còn 16 lần…” (trích từ phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên chất vấn Thủ tướng của kỳ họp Quốc hội vừa diễn ra hôm 1.11) nhưng tôi được biết chi thường xuyên của nước ta hiện vẫn cao, chiếm khoảng 63% tổng chi ngân sách.
Nợ công tuy cũng đã trả được theo kế hoạch nhưng vẫn cao và luôn ở mức lưu ý. Đó là chưa tính nhiều dự án lớn rồi đây vẫn phải triển khai, như sân bay quốc tế Long Thành, như đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao..., thì đương nhiên không thể tránh được áp lực nợ công sẽ luôn rình rập tăng. Trong khi đó, việc đầu tư không vì thế mà dừng lại.
Điều này càng đòi hỏi chúng ta đặc biệt quan tâm đến vấn đề tiết kiệm chi tiêu, đến đầu tư sao cho có hiệu quả, không có kiểu làm xong đắp chiếu như lâu nay từng xảy ra... để qua đó góp phần tăng trưởng GDP bền vững.
Đã đến lúc chúng ta nên tính toán lại và từ đó đề ra quy chế chi tiêu từ ngân sách trên tinh thần tiết kiệm tối đa, giảm tối đa chi bất hợp lý.
Hãy bắt đầu từ những việc rất nhỏ. Nhưng “tích tiểu thành đại”, tôi tin rằng nó cũng sẽ góp phần vào tăng trưởng GDP.
Quốc Phong - Dân Việt