Hình ảnh minh họa giấy Fiktionsbescheinigung. (ảnh Victor K.)
Fiktionsbescheinigung là gì?
Giấy chứng nhận tình trạng lưu trú tạm thời (Fiktionsbescheinigung) là một văn bản hành chính chính thức của Đức. Với giấy tờ này, công dân nước ngoài có thể chứng minh quyền lưu trú tạm thời tại Đức, đặc biệt trong thời gian chờ xử lý đơn xin cấp hoặc gia hạn giấy phép cư trú tại Sở Ngoại kiều.
Việc cấp giấy này nhằm đảm bảo quyền lợi của người nộp đơn trong thời gian chờ đợi quyết định từ cơ quan chức năng. Tuy nhiên, quyền hạn đi kèm sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại giấy chứng nhận.
Mặt sau của giấy chứng nhận thường có bốn ô vuông. Loại giấy chứng nhận bạn nhận được sẽ phụ thuộc vào ô nào được đánh dấu “X”. Điều này vô cùng quan trọng để hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
Các trường hợp được cấp giấy chứng nhận lưu trú tạm thời
1. Nộp đơn lần đầu xin giấy phép cư trú
(Khoản 3 Điều 81 Luật Cư trú – AufenthG)
Nếu bạn là công dân của quốc gia được phép nhập cảnh vào Đức mà không cần thị thực và nộp đơn xin giấy phép cư trú lần đầu tại Sở Ngoại kiều, bạn sẽ được phép lưu trú hợp pháp cho đến khi có quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, trong thời gian này, bạn thường không được phép làm việc.
Quan trọng hơn, giấy chứng nhận này không cho phép bạn (tái) nhập cảnh vào Đức sau khi rời khỏi nước này.
Ví dụ: Một công dân Nhật Bản nhập cảnh vào Đức lần đầu mà không cần thị thực và chưa có giấy phép cư trú.
Sau 90 ngày được phép lưu trú mà không cần thị thực, họ muốn học đại học và nộp đơn xin giấy phép cư trú. Trong thời gian chờ xử lý đơn, họ chỉ được cấp giấy chứng nhận theo §81 khoản 3. Nếu họ rời khỏi Đức và quay lại, họ chỉ được phép nhập cảnh trong khung thời gian 90 ngày – giấy chứng nhận không gia hạn thời gian này.
2. Gia hạn giấy phép cư trú hiện tại
(Khoản 4 Điều 81 Luật Cư trú – AufenthG)
Nếu bạn đã có giấy phép cư trú (ví dụ visa D quốc gia hoặc giấy phép cư trú khác) và nộp đơn gia hạn trước khi hết hạn, giấy phép cũ của bạn vẫn có hiệu lực cho đến khi có quyết định mới. Điều này đồng nghĩa với việc bạn vẫn giữ nguyên mọi quyền và nghĩa vụ đi kèm, bao gồm cả quyền tái nhập cảnh vào Đức. Khi đi du lịch, hãy nhớ mang theo hộ chiếu và giấy phép cư trú cũ.
Ví dụ: Một điều dưỡng viên đang làm việc tại Đức có giấy phép cư trú hết hạn ngày 31/12/2022 và nộp đơn gia hạn vào ngày 01/10/2022. Nếu đến ngày hết hạn vẫn chưa có giấy phép mới, họ sẽ được cấp giấy chứng nhận tình trạng lưu trú. Nhờ vậy, họ vẫn được phép làm việc và quay trở lại Đức sau khi đi ra nước ngoài.
3. Người có giấy phép định cư vĩnh viễn (Niederlassungserlaubnis)
Đối với những người đã có giấy phép định cư vĩnh viễn, thẻ cư trú điện tử chỉ có giá trị bằng thời hạn của hộ chiếu. Khi hộ chiếu hết hạn, quyền cư trú vĩnh viễn vẫn được duy trì. Bạn có thể chứng minh quyền cư trú bằng hộ chiếu mới, hộ chiếu cũ và thẻ cư trú cũ. Trong trường hợp này, không cần và cũng không thể xin giấy chứng nhận lưu trú tạm thời.
Sự khác nhau giữa các loại Fiktionsbescheinigung
Cơ sở pháp lý cho giấy Fiktionsbescheinigung khác nhau, dẫn đến các hệ quả pháp lý khác nhau. Hãy chú ý đến dấu “X” được đánh dấu ở mặt sau giấy, vì nó cho biết loại giấy bạn đang sở hữu:
-
Theo § 81 khoản 4 Luật Cư trú (AufenthG) – Fortgeltungsfiktion (giả định tiếp tục hiệu lực giấy cư trú cũ): Bạn được đi du lịch và quay lại Đức miễn là giấy tờ còn hiệu lực.
-
Theo § 81 khoản 3 câu 1 AufenthG – Erlaubnisfiktion (giả định cho phép tạm thời cư trú): Không nên rời khỏi Đức, vì bạn có thể sẽ không được quay lại.
-
Theo § 81 khoản 3 câu 2 AufenthG – Duldungsfiktion (giả định cư trú tạm thời trong khi đang có nghĩa vụ phải rời khỏi Đức): Bạn đang trong diện bị trục xuất nhưng chưa thể thực hiện.
Vì vậy, ai từng có giấy phép cư trú hợp lệ cần kiểm tra kỹ dấu “X” được đánh dấu ở ô theo § 81 khoản 4 AufenthG hay chưa. Đồng thời, cần kiểm tra ngày hiệu lực ghi trên giấy và xác nhận xem giấy có ghi rõ việc được phép lao động (Beschäftigungserlaubnis) hay không, để tránh rắc rối với chủ lao động.
Trước khi đi du lịch nước ngoài
Sở Ngoại kiều không đảm bảo giấy tờ của bạn sẽ được chấp nhận ở nước ngoài. Hãy kiểm tra trước với chính quyền nước bạn muốn đến. Thông thường bạn vẫn có thể đi lại, nhưng đây chỉ là thông tin tham khảo và không ràng buộc.
Tôi có được phép làm việc không?
Phần “Điều kiện phụ” (Nebenbestimmungen) trên giấy sẽ ghi rõ bạn có quyền làm việc hay không. Thường thì quyền làm việc từ giấy phép cư trú cũ được duy trì. Nếu công việc bạn muốn làm vẫn thuộc phạm vi đã được cho phép, bạn có thể tiếp tục làm việc.
Các loại ghi chú về quyền lao động:
-
“Erwerbstätigkeit erlaubt”: Được phép làm mọi công việc, kể cả tự doanh.
-
“Beschäftigung erlaubt”: Chỉ được phép làm việc theo hợp đồng lao động, không được tự doanh.
-
“Beschäftigung als [nghề] bei [tên công ty] erlaubt”: Chỉ được làm công việc cụ thể tại công ty cụ thể. Nếu muốn thay đổi, phải xin phép Sở Ngoại kiều.
Lưu ý quan trọng: Khi đủ điều kiện, hiệu lực pháp lý của giấy chứng nhận sẽ bắt đầu từ ngày nộp đơn, không phải từ ngày nhận giấy.
Thu Phương - © Báo TIN TỨC VIỆT ĐỨC