Hơn sự mong manh và bất an, chính là nỗi vô cảm của người cùng tham gia lưu thông với người không may gặp tai nạn.
Trưa ngày 29. 2, Cơ quan Công an đã tạm giữ ông Nguyễn Quang Vinh (39 tuổi) đang công tác tại Chi cục Thuế quận Ba Đình (Hà Nội), người được cho là đã điều khiển chiếc ô tô Camry vượt sai làn đường gây tai nạn thảm khốc tại phố Ái Mộ (Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội).
Vụ tai nạn khiến 3 người tử vong, hai ông cháu Trần Việt Tiến (64 tuổi) và cháu gái Trần Gia Hân (6 tuổi), bà Nguyễn Thị Trúc (47 tuổi).
Dư luận vẫn đang nóng với hồ nghi ai mới thật sự là người cầm lái chiếc xe gây tai nạn ấy, là ông Vinh hay cô gái đi cùng?
Xác định đúng người đúng tội là việc hệ trọng, cần làm chính xác, minh bạch.
Thế nhưng, trên cả điều ấy chính là sự mong manh của kiếp người, nỗi bất an của thị dân mỗi khi tham gia lưu thông.
Hơn sự mong manh và bất an, ấy chính là nỗi vô cảm của người cùng tham gia lưu thông với người không may gặp tai nạn.
Tôi không đủ dũng khí để xem mấy mươi giây đoạn clip ghi lại cảnh chiếc Camry lao vào hai ông cháu, hất tung người đàn bà đi chợ. Tôi cũng không đủ ngôn từ để diễn tả sự xót xa của mình trước những bi kịch thân phận.
Tôi chỉ đớn đau khi đọc dòng chia sẻ của cô giáo đang giảng dạy tại trường của cháu gái vắn số Trần Gia Hân.
Cô giáo viết: “Mọi việc diễn ra quá nhanh ngay trước mắt mình. Cái xe Camry đâm liên hoàn mấy xe máy, bắn vào góc sân vỉa hè một ngôi nhà bên trái đường. Mấy người bắn ra. Trong giây phút kinh hoàng ấy mình nhận ra cháu bé mặc áo đồng phục Ngọc Lâm. Mình vội chạy xe vào hè phố gửi và quay ngay lại hiện trường. Lúc đó ông nội cháu đã tử vong. Người phụ nữ đi bộ vẫn còn thoi thóp. Mình lấy vở của con và xác định tên, lớp của con. Mình điện thoại báo Hiệu trưởng cùng Ban giám hiệu, các thầy cô lập tức có mặt ở hiện trường và chỉ đạo báo cho mẹ cháu và cô chủ nhiệm.
15 phút sau khi tai nạn. Mình bỗng thấy cháu gồng bụng lên đầu lắc lắc. Mình gọi những người xung quanh thông báo cháu còn sống. Lúc này công an đã xuất hiện. Mình bấm máy gọi 115 và đề nghị công an chặn nhờ xe đưa cháu đi ngay. Công an nói: “Cần giữ nguyên hiện trường đợi cảnh sát giao thông đến”. Mình yêu cầu công an cứu người là trên hết.
Mọi người chặn được một chiếc xe tắc xi. Khi mấy người bế cháu lên đưa ra xe thì tắc xi bỏ chạy mặc cho mình và mọi người kêu gọi.
Tiếp tục mình đứng ra giữa đường chặn một cái xe con. Người đàn ông lái xe cố tình chen đám đông để thoát. Xe tải nhỏ của công an phường xuất hiện. Mình nói các chú đưa cháu đi. Mọi người bế cháu đặt vào thùng xe tải. Hai bên có ghế.
Mình lên ca bin (Vì mình bị huyết áp cao nhìn học trò như vậy mình sợ mình không chịu đựng được). Xe bắt đầu chuyển bánh mình nhìn lại đằng sau chỉ có một mình cháu nằm chơ vơ giữa thùng xe tải. Những người bế cháu lên không ai ngồi với cháu. Mình bảo lái xe đỗ lại để nhờ những người có mặt ai đó ngồi sau với cháu.
May lúc đó 115 đến. Mọi người lại chuyển cháu sang 115.
Mình bám theo học trò sang viện Việt Đức cấp cứu. Dù được viện hết sức cấp cứu, đặc biệt một bác sĩ người nước ngoài ra sức cứu nhưng cháu đã tử vong lúc 9 giờ 15 phút”.
Sau lúc đọc dòng chia sẻ này, tôi có gọi điện thoại cho một đồng nghiệp để kiểm tra chéo. Đồng nghiệp của tôi đã xác nhận đúng là không có chiếc xe nào dừng lại để tham gia cấp cứu những người bị tai nạn.
Người mẹ khóc nức nở trước cái chết thương tâm của con gái và bố chồng.
|
Năm năm trước, rất đông những cư dân mạng tại Việt Nam đã lên tiếng bỉ bai người Trung Quốc vô tâm, vô nhân đạo khi để mặc cháu bé Yue Yue (cháu bé 2 tuổi bị tai nạn giao thông) nằm vật vã trong đau đớn trên hè phố.
Năm năm sau, những người tham gia lưu thông ngang đoạn đường xảy ra tai nạn. Ngay cả nhiều người chứng kiến ở hiện trường vụ việc cũng dửng dưng trước cánh tay đưa lên cầu cứu của cháu bé Trần Gia Hân. Có khác gì “cơn bão lòng người Yue Yue” năm nào ở Trung Quốc đâu.
Tôi không dám khẳng định nếu chiếc taxi dừng lại, nếu người điều khiển xe ô tô dừng lại để đưa cháu cấp cứu, cháu sẽ được cứu sống. Mặc dù biết đâu đấy nếu được đưa đến bệnh viện “giờ vàng cấp cứu” cháu sẽ có cơ hội tăng thêm hy vọng được nhìn thấy mặt trời mỗi sớm mai.
Tôi lại hoàn toàn không có ý định phê phán những cá nhân lướt xe qua vụ tai nạn bất chấp nhận được tín hiệu xin giúp đỡ từ người chứng kiến.
Bởi, chúng ta thường sợ rầy rà đến pháp luật, sợ tốn thời gian lôi thôi cho những thứ không liên quan đến mình.
Và cứ như vậy, chúng ta chấp nhận nhắm mắt lướt qua một thân phận, lướt qua một cá nhân bé nhỏ đang cần một sự giúp đỡ.
Thật ra thì, tai nạn của người này, sự không may mắn của người này hoàn toàn không ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác.
Không ai tư duy thiển cận theo lối “nhà tôi có chuyện buồn, tôi yêu cầu nhà anh phải vặn nhỏ nhạc”.
Nhưng, sự chia sẻ đồng cảm trước những buồn đâu bắt buộc phải tồn tại trong một cá thể người.
Đời sống đô thị có thể tiêu diệt cảm xúc cá nhân, sự rắc rối pháp lý có thể triệt tiêu lòng tốt, nhưng nước mắt trước người không may là điều mà cá nhân không được phép đánh mất, không được phép từ chối.
Tuy nhiên, tôi biết làm sao được khi mà tôi không thể nhân danh bất cứ điều gì để phản ứng với những người điều khiển xe qua hiện trường vụ tai nạn thảm khốc và tìm mọi cách đào thoát trước lời khẩn cầu.
Ngoài nỗi buồn ra, tôi chẳng còn gì cả.
Tôi không có thói quen rao giảng đạo đức, lại càng không có thói quen ép người khác thực hiện theo quan điểm cá nhân.
Chỉ là tôi muốn hỏi: “Làm người như vậy, đành lòng sao?”.
Hỏi không cần trả lời đâu, vì trên thực tế, đã không có chiếc xe nào dừng lại tại vụ tai nạn trên phố Ái Mộ sáng ngày 29. 2 ấy.
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Theo Dân Việt