Việc thu phí đỗ ôtô trên nhiều tuyến đường tại trung tâm TP HCM do Xí nghiệp dịch vụ công cộng thuộc Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong (TNXP) tổ chức, sau khi cộng trừ các khoản thì riêng năm 2021 lỗ 8 tỉ đồng.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Đức Tuấn, Phó Giám đốc Xí nghiệp dịch vụ công cộng, lý giải nguyên nhân chính do nhiều người đậu xe nhưng không trả tiền trong khi lực lượng TNXP chưa có quyền xử phạt.
Nguyên nhân nữa, một số tuyến đường bị nhiều hộ kinh doanh chiếm dụng và cản trở thu phí. Bên cạnh đó, ứng dụng thu phí MyParking còn lỗi, sự phối hợp với CSGT, thanh tra giao thông trong vấn đề "gò" tài xế vào khuôn phép chưa nhuần nhuyễn…
Cũng theo ông Nguyễn Đức Tuấn, việc tổ chức thu nhằm thực hiện chủ trương hạn chế xe vào nội đô, công ty xác định "không phải để kinh doanh", "không đặt nặng lời, lỗ".
“Để bù lỗ, chúng tôi phải huy động tiền từ nguồn khác, song do công ty đang khó khăn nên việc này ảnh hưởng thu nhập một số bộ phận khác. So với mục tiêu chung của thành phố là đảm bảo trật tự, giảm ùn tắc các tuyến đường, số tiền lỗ gần 8 tỉ đồng không là bao nhiêu, bởi nhiều chủ trương lớn khác cần bỏ ra tới hàng ngàn tỉ đồng"- ông Nguyễn Đức Tuấn nói.
Đường Thủ Khoa Huân (quận 1, TP HCM) đang tổ chức thu phí sử dụng lòng đường
Thưa ông Nguyễn Đức Tuấn, sự lý giải của ông nghe thật "chói" tai!
Xét về mặt kinh tế, bỏ tiền ra đầu tư công nghệ, máy móc, trả lương cho người làm… mà số thu thấp hơn nhiều lần số chi thì đó là cách làm ăn không hiệu quả. Không ai hì hục đổ mồ hôi xới hẳn một mảnh vườn chỉ để tìm nửa củ khoai lang đủ dùng cho bữa trưa, vì sức lực người ấy bỏ ra thừa để kiếm khoản thù lao cho bữa tiệc nhẹ.
Xét về mục đích, nếu là nhằm giảm ùn tắc và nâng cao ý thức tài xế mà chấp nhận bỏ tiền "bù lỗ” thì quá sang. Thu phí là để tạo nguồn thu, tiền ấy phải được đầu tư trở lại nhằm giảm thiểu những hạn chế về hạ tầng giao thông. Không ai ngược đời khi xử lý bất cập bằng việc tạo thêm sự bất cập.
Một ý tưởng đóng góp cho giao thông thành phố tốt nhưng cách thực hiện rườm rà, nhiêu khê, lãng phí, không lường trước trở ngại thì rất khó để có lý do tồn tại thêm.
Không đạt hiệu quả về kinh tế lẫn mục đích phần nào được giải thích do sự vào cuộc của lực lượng chức năng chưa đồng bộ nhưng cũng gián tiếp chỉ ra "lỗ hổng" trong phối hợp. Sự thiếu hiệu quả của hệ thống camera đường phố, cơ chế phạt nguội, tuần tra giao thông…. cũng là những dấu hỏi cần được giải đáp.
Nhưng nói gì thì nói, thay vì nại lý do và đổ lỗi, hãy nhìn thẳng vào những mặt tồn tại, kém hiệu quả để từ đó có bài học kinh nghiệm sâu sắc, sự đánh giá, tổ chức lại nghiêm túc, khoa học hơn. Như vậy mới là thái độ đối diện với sự thật mang tính cầu thị, thẳng thắn, đầy trách nhiệm.
Trên hết, nên nhìn nhận sự việc dưới lăng kính hiệu quả thực tế để xử lý triệt để những bất cập. Đã đến lúc phải thẳng thắn nói với nhau rằng, nếu anh làm không hiệu quả thì hãy xin rút, chứ đừng lập luận kiểu "đổ thêm dầu vào lửa" như thế, dư luận khó chấp nhận!
NGỌC KỲ, đồ hoạ: Nguyên Lâm
Nguồn: Báo điện tử Người Lao Động