Tờ rơi và "bôi nhọ" Đôi khi tôi hối hận vì đã trót tán dương và tô hồng một vùng đất thay vì những lời cảnh báo. Những lời cảnh cáo có thể giá trị hơn cả những lời khen.

Khi đồng nghiệp hỏi kinh nghiệm để đi Myanmar tác nghiệp ở giải U19 châu Á, tôi chỉ mải tán rằng ở đấy người dân thú vị lắm, nhiều khía cạnh đáng khám phá lắm. Tôi không nói gì về chuyện taxi nơi đây không có đồng hồ, khách phải mặc cả - thứ sẽ sinh ra đầy bất cập và cần “thủ thuật” để đối phó. Bạn tôi về, kể chuyện anh bị taxi đưa thẳng đến chỗ “đầu gấu” giữa đêm hôm và moi tiền. Anh đành phải đưa. Tiền mất ít mà ấn tượng cả chuyến đi bị hủy hoại - đó mới là sự mất nhiều. Nếu tôi chỉ cần đưa anh cái card của người lái taxi tôi đã đi, thì tôi đỡ áy náy hơn và ấn tượng của anh về nơi đó sẽ đẹp hơn.

Năm học 2009 tại Đại học Oxford, Anh, một trong những người đầu tiên mà tân sinh viên của ngôi trường danh tiếng này trò chuyện, là Simon Hayday, một cựu tội phạm.

Simon Hayday, người từng ngồi tù nhiều năm vì các tội cướp của và trộm cắp, đã đến gõ cửa từng phòng trọ của tân sinh viên để phát các tờ rơi cảnh cáo họ về an ninh, khuyên họ nên “chú ý cửa sổ”, “giữ đồ vật có giá trị cẩn thận” và thông báo cho họ biết rằng tình trạng trộm cắp trong khu vực là rất phổ biến. Một số sinh viên bị sốc.

Ít người biết rằng, đó là kế hoạch của chính cảnh sát địa phương. Họ hiểu rằng không cách cảnh báo nào hiệu quả hơn từ một người có “kinh nghiệm thực tiễn”.

Phát tờ rơi cảnh báo tội phạm là một hình thức phổ biến ở các nước phát triển. Hình thức phát tờ rơi, trong marketing, vẫn được ưa chuộng trong thời đại công nghệ thông tin này, đơn giản bởi nó có tính hướng đối tượng cao: người ta sẽ chọn lựa và phát được tận tay những người họ cần nhắn gửi thông điệp. Họ thực hiện các tờ rơi rất cầu kỳ - đơn cử như trường hợp của ông Hayday.

Đến bây giờ, nếu bạn lên website của một chính phủ, ví dụ như Scotland, bạn có thể tải được tờ rơi cảnh báo tình trạng tội phạm được viết bằng 9 thứ tiếng. Và tất nhiên nếu bạn là một người Scotland có trách nhiệm với cộng đồng, ví dụ như chủ một khách sạn chẳng hạn, bạn có thể in nó ra và phát cho khách nước ngoài.

Ở Việt Nam, khi Công an TP HCM lần đầu tiên phát những tờ rơi cảnh báo du khách nước ngoài về tình trạng tội phạm đường phố và lừa đảo trên xe taxi, có một số ý kiến cho rằng đó là hành vi “bôi nhọ” thể diện quốc gia.

Câu hỏi đặt ra là cảnh sát ở các quốc gia khác, khi phát tờ rơi cho du khách và chính người dân, họ nghĩ gì? Có phải là thừa nhận sự bất lực và “bôi nhọ” quê hương mình?

Tôi tin rằng bất kỳ người dân TP HCM nào cũng sẵn sàng nhắc nhở bạn bè người thân từ tỉnh xa đến về tình trạng tội phạm ở đây, như một sự tử tế thông thường nhất. Điều đó không có gì tổn thương đến niềm tự hào về quê hương. Đó là trách nhiệm.

Sự thừa nhận thực tế bản thân nó đã là một ý thức về trách nhiệm. Công an TP HCM còn nhiều việc phải làm, nhưng họ sẽ không thể làm được nếu không nhìn thẳng vào thực tế và có ý thức về điều đó. Nó không phải là một sự thúc thủ trước thực tế mà ngược lại. Tôi tin rằng những người nhận tờ rơi kia, thay vì cảm thấy đây là một đất nước xấu, sẽ thấy trân trọng sự quan tâm của chính quyền hơn - như ước mong chung của mọi khách du lịch khi đặt chân đến một vùng đất khác.

Những tờ rơi chia sẻ kinh nghiệm phòng chống tội phạm ấy, đáng ra nên được làm từ lâu, hướng tới nhiều đối tượng hơn, đa dạng, hợp lý và đẹp mắt hơn. Các tân sinh viên, người lao động mới lên thành phố, ngay cả khách du lịch trong nước cũng cần nó.

Lẽ nào việc chung sống quá lâu và trả giá đủ nhiều với tâm lý tô hồng thực tế khiến chúng ta không dám thừa nhận rằng, nhìn thẳng vào tiêu cực là một hành vi tích cực.

Đức Hoàng




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC