Vừa qua, trên trang cá nhân, nhà nghiên cứu - phê bình văn học Lại Nguyên Ân bày tỏ quan điểm: Yêu cầu giáo viên và cán bộ giáo dục không gọi học sinh là “con”.
Ông Ân chia sẻ sau khi đăng tải bài viết, một người tự nhận là phụ huynh học sinh đã đồng tình. Người này đưa ra nhiều quan điểm, trong đó có viết: “Vậy mà các giáo viên - những người đi làm nhận lương - lại dám gọi đối tác trong công việc của mình, khách hàng của mình là ‘con’! Nếu phụ huynh kỳ vọng giáo viên chỉ nhờ xưng hô như thế mà coi học sinh như ‘con’, đó là một kỳ vọng không khi nào đạt được. Có ai cho ‘con’ ăn mà lại bắt ‘con’ trả tiền không?”.
Quan điểm của vị phụ huynh và nhà phê bình Lại Nguyên Ân đang được bàn luận trái chiều.
Hãy để các em được tự tin
Theo bạn đọc Trịnh Đức Việt, lúc nào cũng muốn "cô giáo như mẹ hiền", nhưng mẹ hiền lại không được xưng con?
Còn bạn đọc T.N cho rằng: "Tôi cũng đồng tình với ý kiến này. Học trò xưng "con" với thầy cô đã mặc nhiên mang một "danh phận" bề dưới, không thể có ý kiến phản biện khi thầy cô nói hoặc làm không đúng. Hãy để cho các em được tự tin và mạnh mẽ trước cuộc đời".
Bạn đọc Anh Doãn cũng cho biết: "Tôi nghĩ giáo viên nên gọi học sinh là em. Nhiều giáo viên mới ra trường chỉ lớn hơn học sinh mấy tuổi mà gọi học sinh là con thấy kỳ cục quá".
Cũng đồng tình với nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, bạn đọc Tuấn bày tỏ: "Ở quê tôi, đi học, giáo viên gọi học sinh là em. Cô chào em, em chào cô. Ngày xưa, tôi học, vẫn xưng hô là em. Lên Hà Nội, tôi thấy giáo viên gọi học sinh bằng con. Lúc đầu, cho con đi học, thấy cô gọi học sinh là con, lúc đầu nghe là lạ, không quen, sau cũng quen quen dần. Ra xã hội cũng thế, các con nhỏ, cứ gọi các cô cũng xưng con..."
Theo bạn đọc Anh Quang, chỉ những người sinh ra và nuôi dưỡng các trẻ em đó mới gọi chúng là con. Các bé đó chỉ được phép xưng con với những người sinh ra mình.
"Những người làm nghề giáo viên không được phép lạm dụng từ ngữ này và quyền bắt học sinh xưng con với mình. Rồi giáo viên mới có thâm niên nghề 5-10 năm tuổi nhỏ. Vì vậy, cần phải bỏ cách xưng hô này"- bạn đọc Anh Quang nói.
Thể hiện sự gần gũi với các bạn nhỏ
Không đồng tình với quan điểm trên, bạn đọc Hà Tùng Dương cho rằng: "Là một giáo viên, cán bộ quản lí, tôi hoàn toàn không đồng tình, nhất trí với nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân. Bởi, văn hóa Việt Nam luôn nêu cao tinh thần "Tôn sư trọng đạo" và cách ứng xử ...".
Theo bạn đọc Thanh Trà, vì sự gắn kết thân thiện, gần gũi với các bạn nhỏ, để tạo cảm giác thỏa mái cho học trò, ở trường như ở nhà nên các thầy cô gọi con xưng cô, xưng thầy. Ra ngoài đường người lớn - già gọi nhỏ đáng tuổi con mình là con xưng "cô, dì, chú, bác..."
"Như vậy, không phải cướp công mà là thể hiện nét văn hóa thuần phong mỹ tục. Giá trị của người thầy được đánh đồng với lương không cân xứng với sức lao động, thật sự không xứng đáng" - bạn đọc Thanh Trà nhấn mạnh.
Còn bạn đọc Tuấn cho biết: "Ở miền Tây, việc thầy, cô gọi học sinh từ cuối cấp một trở xuống bằng từ "con" là văn hoá xưng hô. Nó cũng tạo sự thân thiết nhưng trang trọng".
Là giáo viên cấp 3, sau 10 năm đi dạy, bạn đọc Ngô Hằng cho hay: "Sau khi đọc thật kĩ bài báo và đoạn cuối "quan điểm khách hàng, đối tác..". Tôi thấy thật khó để tiếp một phụ huynh coi tiền bạc to lớn như vậy".
Bạn đọc Đoàn Trương Văn, đối với mầm non và lớp 1, 2 xưng cô với con thì được. Còn cấp 2, 3 xưng thầy (cô) với con là không hợp.
Cũng theo bạn đọc này, còn suy nghĩ thầy cô gọi con mình là con. Gọi như vậy là cướp công sinh thành thì đúng là suy nghĩ ích kỷ. Bởi họ gọi các con nhưng xưng là thầy với cô, chứ họ không xưng là cha là mẹ của các trò.
Đúng là giáo viên đi dạy nhận lương và học sinh đi học phải đóng tiền. Nhưng đối với học sinh mầm non và cả các bé lớp 1, để trông giữ và dạy dỗ các bé, ngoài trách nhiệm của một người thầy người cô thì cũng cần phải có tình cảm như mẹ với con mới làm được. Bởi khi các bé biếng ăn thì các cô cũng dỗ dành hoặc cầm tay chỉ các bé từng nét chữ.
"Thay vì soi mói, chỉ trích cách xưng hô giữa thầy cô và các em học sinh thì hãy nghiên cứu làm sao để nâng cao chất lượng giáo dục và giảm tải các môn học cho học sinh" - bạn đọc Đoàn Trương Văn nêu ý kiến.
Theo Lao động