Xung quanh việc xử phạt vi phạm luật giao thông theo Nghị định 100 của Chính phủ vừa có hiệu lực, trả lời câu hỏi của phòng viên VTC News, ông Bùi Đình Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, quy định mới nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân và giúp cải thiện đáng kể tình trạng tai nạn giao thông nghiêm trọng trong cả nước.
Cảnh sát giao thông xử phạt các tài xế uống rượu bia vẫn lái xe.
- Luật phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100 Chính phủ vừa có hiệu lực hôm 01/01/2020 có ý nghĩa thế nào, thưa ông?
Với tư cách là người dân, thường xuyên tham gia giao thông, tôi hoàn toàn ủng hộ việc ban hành quy định và nâng mức xử phạt đối với người tham gia giao thông, có sử dụng rượu bia.
Đây là biện pháp tích cực nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc tuân thủ, chấp hành an toàn giao thông bằng nhiều loại phương tiện khác nhau. Trước đây, chúng ta đã có văn bản khuyến cáo và tuyên truyền tới người dân về tác hại của rượu bia và các chất kích thích khi điều khiển phương tiện giao thông.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy vấn đề sử dụng chất có cồn khi tham gia giao thông vẫn diễn ra khá phổ biến và không có dấu hiệu thuyên giảm. Do đó, Nghị định 100/2019 do Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 là phù hợp với tình hình hiện nay.
- Sử dụng rượu bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện giao thông là tập quán rất xấu của người Việt...
Tôi cho rằng, đây là thói quen tùy tiện của người dân, được hình thành trong quá trình thay đổi nhanh chóng nhiều mặt của xã hội. Dần dần thói quen này ăn sâu bám rễ, trở thành nếp sống khó thay đổi ở đô thị, lẫn vùng nông thôn.
Như một thói quen, gặp mặt, chào hỏi và mời nhau uống bia rượu hay trong dịp hội hè, đình đám cũng thường xuyên sử dụng bia rượu. Hầu như các sinh hoạt đời thường đều có quan hệ liên quan tới bia rượu. Do đó, thói quen uống rượu bia và điều khiển phương tiện giao thông vô tình được “ngầm chấp nhận”.
Tuy nhiên, đó là một thói quen không tốt, không tích cực đối với tiến trình phát triển của xã hội. Để thay đổi được thói quen này, chúng ta cần có quy định nghiêm và giáo dục sâu sắc ngay từ trên ghế nhà trường, để giới trẻ dần hiểu tác hại và những hệ lụy.
- Những quy định nghiêm ngặt trong Nghị định 100/2019 đã phát huy tác dụng rất tốt, đánh thẳng vào tiềm thức những con người xưa nay bừa bãi trong việc uống rượu và lái xe phải không, thưa ông?
Tôi cho rằng, quy định phải nghiêm khắc và chặt chẽ thì mới đưa đến tác động tích cực cho xã hội. Trong đó, khẩu hiệu “đã uống bia rượu, thì không lái xe” hay “nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông, khi sử dụng bia rượu” là cách đều chúng ta bảo vệ tính mạng và tài sản cho người dân.
Có nhiều người cho rằng, uống một ít bia rượu và tham gia giao thông, họ vẫn kiễm soát được tình hình. Song thực tế cho thấy, họ không chỉ làm hại bản thân, mà còn gây ảnh hưởng tới tính mạng và tài sản của người khác nữa.
Đó là chưa kể đến việc nhiều trường hợp vì uống bia rượu bừa bãi, mất kiểm soát, nhưng vẫn vô tư điều khiển phương tiện, gây hậu quả nghiêm trọng cho bản thân và xã hội.
- Nhiều người tỏ ra vui mừng, bởi những lo âu về hiểm hoạ tai nạn giao thông do rượu bia gây nên phần nào được hóa giải?
Empty
Những tai nạn giao thông thảm khốc diễn ra trong năm 2019 là hồi chuông cảnh báo xã hội, đòi hỏi chúng ta phải hành động quyết liệt hơn để bảo đảm an toàn cho người dân.
Ông Bùi Danh Liên
Việc cấm bia rượu và tăng mức xử phạt là biện pháp hữu hiệu đối với những người có thói quen không lành mạnh này. Chắc chắn đông đảo người dân đã và đang ủng hộ. Tại vì nó góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo đảm an toàn tính mạng cho người tham gia trực tiếp và gián tiếp hệ thống giao thông.
Những tai nạn giao thông thảm khốc trong năm 2019 là hồi chuông cảnh báo xã hội, đòi hỏi chúng ta phải hành động quyết liệt hơn để bảo đảm an toàn cho người dân.
Có lẽ đến bây giờ, người dân mới cảm nhận nguy cơ tai nạn giao thông cận kề và có thể xảy ra với bất cứ ai, ở bất cứ nơi đâu. Do đó, quy định mới này khiến cho đông đảo người dân đồng tình ủng hộ.
- Tuy nhiên, vẫn còn một số người nghi ngờ về hiệu quả của những quy định mới này.
Tất nhiên, trừ một số người có lối sống tự do, phóng túng, quen bừa bãi, không thích bị gò bó bởi luật định, thành ra họ có phần không đồng tình. Tuy nhiên, luật pháp là phục vụ số đông, số phản đối chỉ là thiểu số. Cho nên, vì sự tiến bộ chung của xã hội, chúng ta phải áp dụng quy định thật nghiêm minh và chặt chẽ.
Tôi nhớ những năm 90 của thế kỷ trước, khi đất nước chúng ta lần đầu tiên ban hành luật cấm đốt pháo dịp Tết. Có rất nhiều ý kiến trái chiều đã xảy ra. Người dân bàn tán xôn xao, đồng ý có, phàn đối cũng có.
Tuy vậy, thực tế ngày nay cho thấy, quy định cấm đốt pháo đã giúp nhân dân và đất nước tiết kiệm biết bao nguồn lực, giảm thiểu nguy cơ cháy nổ và mối đe dọa tới tính mạng, sức khỏe con người. Do đó, hoạch định chiến lược phải có tính dài hạn và triển khai vì những mục tiêu trong tương lai.
Năm 2007, đất nước ta cũng thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Ban đầu, điều luật cũng gặp nhiều ý kiến trái chiều và không đồng thuận. Tuy nhiên, cho đến bây giờ, ý nghĩa thiết thực của quy định này dường như tất cả người dân đã hiểu rõ.
Rõ ràng, một chủ trương đề ra không thể có sự đồng ý 100 % của người dân. Nhưng vì số đông, vì lợi ích lâu dài, chúng ta nhất định phải thực hiện thành công. Không thể vì lí do một số người không ủng hộ, mà dừng lại quy định tiến bộ này được.
Tài xế sử dụng rượu bia vẫn lái xe đều bị xử lý nghiêm.
- "Ma men" lái ô tô bị phạt tới 40 triệu, còn lái xe máy có thể bị phạt tới 4 triệu đồng. Mức phạt này có đủ sức răn đe không thưa ông?
Tôi cho rằng, tùy theo mức thu nhập, mức phạt trên đủ sức răn đe với một số người này, nhưng có thể chưa đủ sức răn đe đối với những người khác. Chúng ta phải xét vấn đề tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người tham gia giao thông là quan trọng, còn việc xử phạt là yếu tố bắt buộc sau cùng.
Tất nhiên, cần xem xét yếu tố nồng độ cao bao nhiêu thì xử phạt nặng bấy nhiêu. Những trường hợp tái phạm và cố tình không tuân thủ thì sẽ bị mức xử phạt cao hơn nữa.
Tôi muốn nói là, không chỉ vì có công cụ pháp luật trong tay, mà lực lượng chức năng chỉ nhằm vào xử phạt. Vai trò của tuyên truyền, vận động và giáo dục ý thức người tham gia giao thông chấp hành tốt quy định là một yếu tố then chốt. Sau đó có thể có mức nhắc nhở, cảnh cáo người vi phạm, cuối cùng mời dùng đến chế tài xử phạt.
- Những khó khăn để quy định dần đi vào đời sống người dân là gì, thưa ông?
Vấn đề bia rượu ở nước ta hiện nay có thể xem là một tệ nạn đáng lo ngại. Để đẩy lùi tệ nạn xã hội này, đòi hỏi chúng ta phải có đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phải diễn ra thường xuyên. Quy định không thể thành công ngay lập tức được, mà cần thêm thời gian và sự kiên trì của các cơ quan chức năng và toàn xã hội.
Theo tôi, chúng ta cần làm thực hiện tốt ở các điểm vùng, từng khu vực cụ thể. Ví dụ như khu vực đô thị thì dễ thực hiện, nhưng ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc, nếu chúng ta áp dụng quá may móc sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, cách thực thi quy định phải xem xét đặc thù của từng vùng, để linh động áp dụng.
- Có ý kiến cho rằng, chúng ta phải “thừa thắng xông lên”, lấy việc áp dụng luật pháp ngặt nghèo để chấn hưng nền giao thông hoang dại ở Việt Nam mà thế giới nhìn vào với ánh mắt kinh sợ?
Từ thời kỳ hội nhập đến nay, chúng ta vẫn bảo đảm được an ninh và an toàn xã hội trong nước. Tuy nhiên vẫn có nhiều vấn đề chưa được giải quyết tốt, trong đó có vấn đề giao thông. Phải nói rằng, chúng ta có nền giao thông chưa phát triển so với nhiều nước trên thế giới.
Cho nên, du khách nước ngoài sang Việt Nam cảm thấy rất lo lắng và khá e ngại khi tham gia giao thông. Đó là một thực tế xảy ra trong nhiều năm qua và bắt buộc chúng ta phải có hướng điều chỉnh tích cực, để chấn hưng “nền giao thông hoang dại” này.
Người dân đồng tình ủng hộ, cơ chế pháp luật cho phép thực thi, song chúng ta cần quyết tâm và kiên trì thực hiện trong mọt thời gian liên tục. Khi đó, ý thức giao thông của người dân nâng lên cao, hệ thống giao thông dần hoàn thiện, sẽ là những điều kiện để đất nước xây dựng nền giao thông tiên tiến, bắt nhịp cùng các nước trong khu vực và thế giới.
- Nên hay chăng việc bắt đầu xem xét bỏ tù những kẻ sử dụng ma tuý, rượu bia và những chất kích thích khác khi lái xe?
Tôi cho rằng, quy định pháp luật và giáo dục ý thức phải song hành, từ đó mới tạo ra sự cộng hưởng tích cực đối với người dân và toàn xã hội. Chế tài đưa ra cũng nên xem xét các yếu tố nhân văn, bác ái và thực hiện từng giai đoạn cụ thể, cho từng bối cảnh xã hội.
Việc xử phạt và bỏ tù những kẻ sử dụng ma túy, rượu bia và chất kích thích hiện nay chỉ nên xem xét đưa vào kế hoạch cho tương lai gần. Trước mắt, chúng ta cần tập trung thực thi tốt các quy định vừa ban hành. Trong quá trình vận hành xã hội, nếu yêu cầu bắt buộc, các nhà hoạch định xã hội sẽ cân nhắc yếu tố bổ sung quy định mới vào cho phù hợp với bối cảnh.
- Khi quy định này dần đi vào đời sống, viễn cảnh bộ mặt giao thông Việt Nam trong tương lai gần sẽ như thế nào, thưa ông?
Về viễn cảnh tương lai của giao thông Việt Nam, chúng ta phải xét trên nhiều khía cạnh và vấn đề xung quanh. Trong đó có việc phát triển cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ mới, phương pháp quản lý và điều hành giao thông,…
Với Nghị định 100/2019, tôi cho rằng sẽ hạn chế những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, giảm nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân. Đó là một viễn cảnh xán lạn của bộ mặt giao thông nước ta trong tương lai gần.
Xin cảm ơn ông!
VTC.VN