Nghe thật khó tin nhưng mỗi ngày có khoảng 200 con chó bị giết hại dã man tại Trung Quốc để làm đồ da xuất khẩu.
Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang, nhu cầu sử dụng túi xách hay các phụ kiện bằng da cũng nhanh chóng tăng vọt.
Thế nhưng ngoài da cá sấu hay lông chồn, bạn có biết rằng rất nhiều đồ da xuất xứ từ Trung Quốc có thể làm từ chính da chó, mèo - vật nuôi đồng thời là bạn thân của mọi nhà?
Tội ác không đáng được dung thứ
Cuộc tranh cãi này bắt đầu được châm ngòi từ năm 2014, sau khi điều tra viên của Hiệp hội Bảo vệ động vật PETA khu vực châu Á phát hiện ra rằng mỗi ngày, có khoảng 100 - 200 con chó bị giết hại dã man để phục vụ cho quy trình sản xuất đồ da tại Trung Quốc.
Phần lớn thành phẩm sẽ được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, nơi từng chi 8,5 tỷ USD để nhập khẩu đồ da từ nước này.
Ngay khi nghiên cứu này được công bố rộng rãi, nó không chỉ khiến người tiêu dùng toàn cầu bàng hoàng mà thậm chí đến chính người dân Trung Quốc cũng lấy làm bất ngờ.
Chứng kiến những đoạn phim ghi lại cảnh các chú chó đáng thương lần lượt phải lên lò mổ trong nỗi sợ hãi cùng ánh mắt van nài được tha thứ, nhiều người đã không thoát khỏi ám ảnh và phẫn nộ.
Lối đi nào cho vấn nạn này?
Tới khi nào, việc làm dã man này mới chấm dứt?
Ở những quốc gia như Mỹ, chó mèo không chỉ đơn thuần là vật nuôi mà còn là bạn thân của mọi gia đình. Họ thậm chí không được quyền đánh đập chúng chứ khoan nói đến giết để ăn thịt hay làm đồ da.
Vì thế, tháng 12/2015, nghị sĩ đảng Dân Chủ Alcee Hastings cùng các đồng nghiệp đã gửi thư tới ông R Gil Kerlikowske, ủy viên Cục Hải quan và Biên Phòng Hoa Kỳ (CBP) nhằm thắt chặt quản lý việc nhập khẩu đồ da.
Ngoài ra, chính phủ Mỹ cũng từng ban hành Đạo luật Bảo vệ Chó Mèo (Dog and Cat Protection Act) vào năm 2000. Theo đó, hành vi nhập khẩu lông và da chó mèo bất hợp pháp sẽ bị xử phạt gần 10,000 USD (hơn 220 triệu VND).
Tuy nhiên, việc phân biệt đồ làm từ da chó, mèo với bò, cừu, lợn thực ra rất khó khăn.
Đặc biệt, để bài trừ tệ nạn này, cần có sự đồng thuận của hai phía.
Thế nhưng, ở Trung Quốc, người ta lại cho rằng việc ăn thịt chó mèo hay tận dụng da của chúng để làm đồ dùng vốn không phải việc làm bất hợp pháp. Thêm vào đó, do luôn đặt lợi ích kinh tế lên đầu, chính phủ nước này cũng cố tình phớt lờ các đạo luật hay chính sách bảo vệ động vật.
Không thể bị động ngồi chờ động thái hợp tác của Trung Quốc, Mỹ lại một lần nữa thể hiện sự cứng rắn của mình.
Họ thắt chặt chính sách và quản lý nghiêm ngặt hơn việc nhập khẩu đồ da. Bên cạnh đó, bằng việc tận dụng các thoả thuận thương mại của Hiệp hội Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP), Mỹ cũng đã gây được khá nhiều ảnh hưởng tới Trung Quốc.
Hơn ai hết, Mỹ mong rằng những hành động này có thể trở thành hồi chuông cảnh tỉnh cho Trung Quốc nói riêng và các quốc gia khác nói chung.
Phát triển kinh tế là mục tiêu quan trọng nhưng không thể vì thế, chúng ta có quyền cướp đi sinh mạng của động vật, đặc biệt là chó mèo.
Theo Ngọc Nguyễn
Trí Thức Trẻ