Nguyên tắc là nguyên tắcPhán quyết của Tòa án lao động ở Siegen (Đức) đã kết thúc một trong những vụ xét xử rất hy hữu trong lịch sử nước Đức và thổi bùng cuộc tranh luận về tình người trong mối quan hệ giữa giới chủ và giới thợ cũng như trong tài phán ở đất nước vốn nổi tiếng về tính nghiêm minh và vô tình về luật pháp này.

Tòa án ấy đã bác bỏ quyết định sa thải nhân công của một Cty ở Đức đối với một nhân viên chỉ vì nhân viên này đã nạp acqui cho chiếc xe đạp điện của mình ở Cty, gây thiệt hại cho Cty 1,8 cent (EUR). Chuyện xảy ra năm 2009. Giới chủ ở Cty này cáo buộc anh chàng nhân viên kia đã ăn cắp tài sản của hãng và một nhân viên với phẩm hạnh như vậy thì không được tiếp tục làm việc cho Cty nữa. Tòa án lập luận rằng nhân viên bị sa thải kia không chỉ có nhân thân tốt, đã làm việc nhiều năm ngon lành cho Cty mà thiệt hại do anh ta gây ra (1,8 cent EUR) thậm chí... nhỏ bé đến mức không thể nhỏ bé hơn được nữa. Giới chủ ở Cty này tuyên bố sẽ kháng án.

Đối với Cty, vấn đề không chỉ ở chỗ “nguyên tắc là nguyên tắc“, mà còn phải răn đe và cảnh tỉnh nhân viên nói chung. Đối với tòa án, chuyện này cũng thuộc về nguyên tắc và cũng nhằm mục đích răn đe, liên quan toàn bộ mối quan hệ pháp lý giữa giới chủ và giới thợ. Tòa án xét xử trên cơ sở pháp lý hiện hành, nhưng cũng phải lưu ý đến dư luận xã hội nên không thể để giới chủ muốn kết thúc hợp đồng lao động với giới thợ như thế nào cũng được. Cty có nguyên tắc của Cty thì tòa cũng có nguyên tắc của tòa. Cty phê trách tòa để tình lấn áp lý thì tòa cũng chỉ trích kiểu “văn hóa ứng xử” ấy của Cty. Vụ việc chưa biết rồi sẽ kết cục thế nào và có tác động tới đâu ở nước Đức, nhưng chắc chắn phí tổn cho vụ kiện tụng và xét xử sẽ lớn không biết gấp bao nhiêu lần mức độ thiệt hại nói trên. Một khi đã coi là chuyện nguyên tắc thì chẳng có giá nào là thấp cả.

Tổng hợp.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC