Tại Đức, hiện nay, số lượng lao động thời vụ đang gia tăng trở lại tương ứng với mức trước xảy ra khủng hoảng. Theo đánh giá của Viện nghiên cứu Kinh tế Đức (IW), số người lao động tạm thời đã gần đạt được mức kỷ lục năm 2008 với 823.000 người.
Sự bùng nổ này trên thị trường lao động là do những người lao động thời vụ bị cắt giảm khi khủng hoảng diễn ra thì giờ đây lại được gọi trở lại. Tuy nhiên những lao động này thường chỉ được làm việc dưới điều kiện nghèo nàn hơn so với các lao động thông thường khác. Mặc dù vậy, làm việc tạm thời hay làm việc thời vụ vẫn tốt hơn là bị thất nghiệp và hưởng trợ cấp bởi ngoài việc cải thiện thu nhập, họ vẫn được pháp luật bảo vệ quyền lợi của những lao động thời vụ.
Quyền lợi được hưởng khi bị sa thải:
Nếu lao động thời vụ không được phân công nhiệm vụ mới nào, ban đầu họ vẫn được tiếp tục nhận lương. Người thuê lao động phải có trách nhiệm về quãng thời gian mà lao động thời vụ không được giao việc. Trong trường hợp thiếu đơn đặt hàng, các doanh nghiệp thường để phần lớn các hợp đồng lao động thời hạn tự kết thúc hoặc sa thải nhân sự. Tuy nhiên, theo nguyên tắc, lao động thời vụ cũng được bảo vệ tránh khỏi các trường hợp bị sa thải không đáng có. Điều đó có nghĩa là, quyết định cho thôi việc sẽ không có hiệu lực nếu nó không xuất phát từ nguyên nhân liên quan tới điều kiện về nhân sự, hành vi cư xử tồi, hoặc tình trạng hoạt động kém của công ty. Trong đó, một doanh nghiệp hoạt động thời vụ không được phép sa thải nhân viên khi xét tới điều kiện hoạt động kém chỉ vì tình trạng đơn đặt hàng khan hiếm. Trong trường hợp nghi ngờ, người lao động hãy thông báo cho tổ chức công đoàn - nơi bảo vệ quyền lợi của họ.
Quyền lợi về bảo hiểm xã hội:
Lao động thời vụ kí hợp đồng lao động với hãng thuê lao động thời vụ. Mối quan hệ lao động này buộc người sử dụng lao động phải có nghĩa vụ đóng bảo hiểm và các khoản xã hội cho người lao động.
Quyền lợi về hưởng lương:
Khi bị ốm đau hay trong kỳ nghỉ, người làm việc thời vụ vẫn có quyền được hưởng lương
Quyền được bảo vệ bởi ban đại diện người lao động:
Cũng giống như bất kỳ doanh nghiệp nào khác, các công ty chuyên về lao động thời vụ phải thành lập ban đại diện người lao động (Betriebsrat). Đây sẽ là nơi bảo vệ người lao động khi xảy ra tranh chấp hay giải đáp thắc mắc về mức lương, thời gian làm việc. Tuy nhiên trên thực tế, chỉ có rất ít công ty thời vụ có ban đại diện người lao động. Trong trường hợp này, người lao động có thể tìm đến sự trợ giúp trực tiếp từ công đoàn.
Quyền được giải thích về các điều khoản trong hợp đồng lao động:
Trước khi đặt bút ký vào hợp đồng, người lao động cần phải được giải thích rõ ràng và hiểu tất cả các điều khoản. Trong đó, đặc biệt cần bàn luận kỹ về mức lương mỗi giờ được nhận, về chi phí đi lại, ăn ngủ và các phụ phí khác cho những chuyến công tác nước ngoài nếu có.
Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm thông tin về quyền lợi của người lao động thời vụ tại cổng thông tin của Hiệp hội Công đoàn Đức (DGB) và Công đoàn dịch vụ thống nhất (Verdi).
Hương Vũ - ©tintucvietduc.de