Phí bảo hiểm y tế nhà nước sẽ tăng bắt đầu từ năm 2011, theo sự phê chuẩn của quốc hội Đức hôm thứ sáu, trong cuộc cải cách sâu rộng hệ thống y tế của Đức.
Theo đó, tỷ lệ đóng góp phí bảo hiểm y tế – được phân chia giữa nhân viên và người sử dụng lao động của họ – sẽ tăng từ 14,9 phần trăm tiền lương của người lao động lên 15,5 phần trăm, bắt đầu vào tháng giêng.
Phần đóng góp của nhân viên sẽ tăng từ 7,9 phần trăm lên 8,2 phần trăm, còn phần đóng góp của người chủ lao động sẽ tăng từ 7 phần trăm lên 7,3 phần trăm.
Tổng cộng, việc tăng này sẽ mang lại thêm 6 tỉ euro mỗi năm cho ngành bảo hiểm.
Khoảng 70 triệu người tham gia bảo hiểm tại các công ty nhà nước cũng sẽ phải đối mặt với việc gia tăng khác, bởi vì các hãng bảo hiểm y tế cũng sẽ được phép áp dụng khoản “phí bổ sung”, gọi là Zusatzbeitrage. Đây là khoản lệ phí đồng mức cho mỗi người tham gia bảo hiểm, nhưng những người nghèo hội đủ điều kiện có thể xin được các khoản trợ cấp để bù đắp.
Bộ trưởng Y tế Philipp Rösler, một thành viên của đảng Dân chủ Tự do, đã bảo vệ những cải cách trước những lời chỉ trích dồn dập từ phe đối lập, khi những người này gọi sự thay đổi là bất công bằng xã hội, một bước tiến tới bảo hiểm y tế tư nhân hoàn toàn.
Nhưng ông Rösler nói rằng gánh nặng đối với ngành bảo hiểm hiện nay đang rất nghiêm trọng và việc thay đổi luật sẽ giúp cho họ khỏi bị thâm hụt 9 tỷ euro, còn những người có thu nhập thấp sẽ được chính phủ tài trợ.
Các công đoàn và các tổ chức xã hội cũng chỉ trích cuộc cải cách y tế.
Những người đứng đầu hiệp hội sử dụng lao động liên bang, ông Dieter Hundt nói rằng các doanh nghiệp sẽ phải chịu thêm gánh nặng 2 tỉ euro để đóng góp bảo hiểm y tế cho nhân viên. Trong khi đó, bà Annelia Buntenbach, thành viên lãnh đạo Liên đoàn lao động Đức (DGB) cáo buộc liên minh trung hữu của Thủ tướng Angela Merkel đã tạo ra các chính sách chống lại nhân dân. “70 triệu người phải trả mọi chi phí gia tăng, đó là đỉnh cao của sự bất công bằng”, bà nói.
Theo Wordpress.