Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (Ảnh: Reuters).
Tổng thống Biden đã trải qua vài tuần đầy biến động mà đỉnh điểm là vào ngày 21/7 với quyết định rút khỏi cuộc đua tới Nhà Trắng năm 2024.
Vị tổng thống 81 tuổi phải đối mặt với áp lực rất lớn khi phải đưa ra một trong những quyết định khó khăn nhất trong sự nghiệp chính trị kéo dài hàng chục năm qua.
Cuối cùng, ông tuyên bố sẽ rút lui và ủng hộ Phó Tổng thống Harris làm ứng viên thay thế.
Theo The Hill, ông Biden đã buộc phải suy nghĩ về tương lai chính trị của bản thân sau cuộc tranh luận với cựu Tổng thống Donald Trump hôm 27/6. Màn thể hiện không đạt được như kỳ vọng khi ông Biden bị khàn giọng, không thể hoàn thành một số câu trả lời và nói nhầm.
Sau sự kiện này, nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan tới sức khỏe tinh thần của ông Biden và liệu ông có sẵn sàng để phụng sự nước Mỹ 4 năm tiếp theo hay không khi đã 81 tuổi.
Vào thời điểm này, trong đảng Dân chủ, đã bắt đầu có những lời kêu gọi ông Biden từ bỏ cuộc đua vì quan ngại ông sẽ không thể chiến thắng trước ông Trump với tình hình hiện tại.
Ngày 28/6, ông Biden trở lại chiến dịch vận động tranh cử khi phải đối mặt với những chỉ trích về màn tranh luận. Ông thừa nhận những thiếu sót. "Tôi biết mình không phải là một chàng trai trẻ. Tôi không còn bước đi dễ dàng như trước, tôi không nói năng trôi chảy như trước, tôi không tranh luận giỏi như trước, nhưng tôi biết những gì tôi biết. Tôi biết cách nói sự thật!".
Tới ngày 2/7, Hạ nghị sĩ Lloyd Doggett trở thành nhà lập pháp đương nhiệm đầu tiên của đảng Dân chủ kêu gọi ông Biden rời khỏi cuộc đua. Tính đến ngày 21/7, có 30 nghị sĩ đảng Dân chủ đã có động thái tương tự.
Ngày 3/7, ông Biden và chiến dịch tranh cử thực hiện các nỗ lực nhằm trấn an đảng Dân chủ và cử tri. Ngày hôm đó, ông đã nói chuyện với lãnh đạo quốc hội đảng Dân chủ và các thống đốc đảng Dân chủ. Ông Biden cũng đã trao đổi với nhân viên tranh cử và yêu cầu chánh văn phòng Jeff Zients trấn an các trợ lý Nhà Trắng.
Vào ngày 8/7, ông Biden gửi một bức thư tới các đảng viên Đảng Dân chủ trong quốc hội, nói rằng ông sẽ tiếp tục nỗ lực tái tranh cử: "Tôi cam kết chắc chắn sẽ tiếp tục tham gia cuộc đua này, chạy cuộc đua này đến cùng và đánh bại ông Donald Trump".
Vào cùng ngày, Nhà Trắng đối diện với hàng loạt câu hỏi sau khi nhật ký khách ra vào dinh tổng thống cho thấy một nhà thần kinh học chuyên về bệnh Parkinson đã đến đây vài lần trong những tháng gần đây.
Vào ngày 11/7, ông Biden tổ chức họp báo sau hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington. Ông khẳng định mình là người tốt nhất để đánh bại ông Trump vào tháng 11. Tuy nhiên, ông tiếp tục đối mặt với những hoài nghi sau khi gọi nhầm tên Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông cũng gọi nhầm bà Harris là "Phó Tổng thống Trump".
Vào cùng ngày, có những thông tin nói rằng, các đảng viên Dân chủ có tiếng nói lớn như cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, cựu Tổng thống Barack Obama đã bày tỏ sự lo ngại về ông Biden.
Ngày 13/7, ông Trump bị ám sát hụt khi tiếp xúc cử tri ở Pennsylvania. Ông Biden đã có 3 bài phát biểu kêu gọi sự đoàn kết. Chiến dịch tranh cử của ông tạm dừng trong 3 ngày. Trong thời gian này, các tiếng nói kêu gọi ông từ chức trong đảng Dân chủ đã lắng lại.
Tuy nhiên, sau khi thoát chết trong gang tấc, ông Trump được cho đã đạt được lợi thế mạnh mẽ trong cuộc đua và đây dường như là điều khiến nhiều đảng viên Dân chủ lo ngại.
Ngày 17/7, ông Biden mắc Covid-19 và tạm dừng các hoạt động trực tiếp trong chiến dịch tranh cử.
Ngày 19/7, theo truyền thông Mỹ, ông Biden được cho đã bắt đầu suy nghĩ về việc rút khỏi cuộc đua, sau 10 nghị sĩ Dân chủ đương nhiệm nữa đã kêu gọi ông bỏ cuộc vào ngày hôm đó.
Ngày 21/7, một cố vấn chiến dịch cấp cao của ông Biden cho biết, quyết định rút lui của ông đã được đưa ra sau khi ông tham khảo ý kiến gia đình và các cố vấn hàng đầu qua điện thoại khi vẫn đang cách ly do mắc Covid-19. Vào cùng ngày, ông Biden tuyên bố dừng chiến dịch tái tranh cử.
Theo The Hill
Nguồn: Báo điện tử Dân trí