Giàn khoan Hakuryu-5 hoạt động trong khu vực Biển Đông mà Việt Nam hợp tác với các nước để khai thác dầu khí.
Phát biểu tại cuộc họp báo hàng tuần của Bộ Ngoại giao Ấn Độ vào ngày 29/8, người phát ngôn Raveesh Kumar nói "Biển Đông là một phần của cộng đồng toàn cầu", vì vậy nước này "kiên quyết ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp trong vùng biển quốc tế, theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS", theo truyền thông Ấn Độ ngày 30/8.
Phản ứng chính thức của New Delhi diễn ra sau khi Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Mỹ và châu Âu đã lên tiếng phản đối hành vi gây căng thẳng của Trung Quốc trong thời gian gần đây ở Biển Đông bằng hành động đưa tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 và các tàu hải cảnh đi vào hoạt động trong khu vực gần Bãi Tư Chính, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Đây cũng là khu vực mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ và tập đoàn Rosneft của Nga đang có các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar.
Trước đó, một chuyên gia khẳng định với VOA rằng việc Trung Quốc đưa nhóm tàu Hải Dương 8 đến thăm dò ở Bãi Tư Chính diễn ra sau khi Bắc Kinh yêu cầu Hà Nội dừng các dự án dầu khí mà Việt Nam đang hợp tác với các nước để khai thác trong khu vực này. Tuy nhiên, Hà Nội đã khước từ yêu cầu của Bắc Kinh và sau đó tiếp tục gia hạn hoạt động khoan của công ty Rosneft Việt Nam B.V. (công ty con của Công ty Rosneft của Nga) tại Lô 06.1 bể Nam Côn Sơn, phía tây bắc Bãi Tư Chính.
Cho đến nay, ngoài "lời cảm ơn" mà Tổng thống Putin gửi đến Giám đốc lô khai thác của công ty Rosneft Việt Nam vào ngày 18/7 (hai tuần sau khi Trung Quốc đưa tàu Hải Dương 8 vào bãi Tư Chính), phía Nga chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào về những diễn tiến có liên quan đến hoạt động của tập đoàn dầu khí, mà phần lớn vốn thuộc sở hữu của chính phủ Nga, trên Biển Đông.
Hoạt động khoan giếng sản xuất ở mỏ Lan Đỏ của Rosneft Việt Nam bắt đầu kể từ tháng 5/2018 trong khuôn khổ chương trình phát triển Lô 06.1 trên thềm lục địa của Việt Nam. Khu vực này có ba mỏ khí ngưng tụ là mỏ Lan Tây, Lan Đỏ và Phong Lan Dại. Ước tính dự trữ khí ban đầu trong các mỏ này vào khoảng 69 tỷ mét khối.
Tại cuộc họp báo, phát ngôn viên Raveesh cho rằng các bên nên giải quyết khác biệt một cách ôn hòa, tôn trọng các quy trình pháp lý và ngoại giao và không đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực.
Theo truyền thông Ấn Độ, hai trong số các tàu hải cảnh của Trung Quốc bị phát hiện lảng vảng gần lô dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ vào ngày 13/8. Đây là lần quay lại thứ 2 của tàu hải cảnh Trung Quốc trong khu vực, sau khi bắt đầu đến hoạt động trong khu vực vào ngày 3/7 và rời đi hôm 7/8.
Trong lần trở lại này, có 6 tàu hải cảnh, 10 tàu đánh cá, 2 tàu dịch vụ cùng với máy bay ném bom H6, chiến đấu cơ và máy bay tiếp liệu đã được phát hiện trong khu vực.
Sự kiện tàu Hải Dương 8 hoạt động trong khu vực thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã đẩy căng thẳng trong quan hệ Việt-Trung lên đến đỉnh điểm, kể từ sau vụ Bắc Kinh đưa giàn khoan HD-981 vào Biển Đông năm 2014.
Đây cũng là lần đầu tiên Hà Nội liên tục lên tiếng phản đối nhiều lần và gửi công hàm chính thức tới Bắc Kinh.
Nguồn: Khánh An/ VOA