Bà Carrie Lam: cải cách bầu ở Hong Kong chỉ loại bỏ những 'người không yêu nước' - Ảnh: REUTERS
Theo đó, số ghế được bầu trực tiếp tại Hội đồng lập pháp Hong Kong bị giảm gần một nửa và các ứng viên tiềm năng sẽ được một ủy ban thân Bắc Kinh xem xét, để đảm bảo họ trung thành với đại lục.
Ngay sau khi cải cách được thông qua, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab khẳng định quyết định này của Trung Quốc vi phạm tuyên bố chung năm 1984 khi thông qua những thay đổi với hệ thống bầu cử của Hong Kong, làm suy yếu quyền tự do của người dân đặc khu này.
Theo BBC, các thay đổi này nhằm đảm bảo chỉ những người "yêu nước", theo định nghĩa của Trung Quốc, mới có thể tranh cử vào các vị trí quyền lực.
Trước đó, nhiều nước bày tỏ quan ngại về bước đi của Trung Quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken nói động thái này là một "cuộc tấn công vào nền dân chủ", vì được thiết kế để đảm bảo rằng phe "thân Bắc Kinh" không bao giờ mất quyền kiểm soát ở Hội đồng lập pháp.
Nhẹ nhàng hơn, Ngoại trưởng Úc Marise Payne cho rằng những cải cách của Trung Quốc với Hong Kong sẽ "làm suy yếu các thể chế dân chủ".
Như muốn "nhắn nhủ" các bên phản đối và bảo vệ quyết định của Bắc Kinh tại cuộc họp báo về vấn đề này ngày 30-3, lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam cho rằng không có "dân chủ kiểu mẫu" và ủy ban không sàng lọc ứng viên theo quan điểm chính trị, mà chỉ loại bỏ những "người không yêu nước".
Theo bà Carrie Lam, chỉ cần ứng viên trung thành với Hong Kong, tuân thủ Luật cơ bản và vượt qua kiểm tra an ninh quốc gia thì sẽ được tham gia tranh cử. Quan điểm chính trị là tả hay hữu, cấp tiến hay bảo thủ, miễn đáp ứng được yêu cầu rất cơ bản này thì không có lý do gì không thể ra tranh cử.
Theo BBC, cuộc bầu cử đầu tiên sau cải cách, chọn thành viên cho Hội đồng lập pháp Hong Kong sẽ diễn ra vào tháng 12 tới.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online