Ngoại trưởng Ba Lan cho rằng Nga sẽ không phát động một cuộc tấn công nhằm vào một quốc gia thành viên NATO.

1 Ba Lan Neu Ly Do Nga Se Khong Tan Cong Nato

Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski (Ảnh: Getty).

Trong cuộc phỏng vấn với BBC hôm 4/5, khi được hỏi ông coi Nga là mối đe dọa đối với Ba Lan đến mức nào, Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski nhận định Tổng thống Nga Vladimir Putin không đủ "liều lĩnh" để phát lệnh tấn công một quốc gia thành viên NATO.

Ông Sikorski cũng nhấn mạnh rằng Ba Lan sẽ không loại trừ bất cứ điều gì trong trường hợp gửi quân tới Ukraine, đặc biệt vì điều này sẽ khiến Tổng thống Putin khó đoán về hành động của phương Tây.

"Chúng tôi sẽ không đưa ra quân bài của mình. Chúng tôi sẽ để Tổng thống Putin tự hỏi chúng tôi sẽ làm gì", ông Sikorski nói.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi đầu tháng đã nêu ra hai điều kiện để đưa quân tới Ukraine, bao gồm yêu cầu của Kiev và việc Nga đột phá trên tiền tuyến. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh hiện nay không có yêu cầu nào như vậy từ Ukraine.

Kiev không kêu gọi phương Tây gửi quân tới Ukraine, thay vào đó đề nghị các đồng minh tăng cường cung cấp vũ khí để giúp binh sĩ Ukraine đối phó chiến dịch quân sự của Nga.

Ngoại trưởng Sikorski bày tỏ sự hài lòng với việc Mỹ thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine sau nhiều tháng trì hoãn và mâu thuẫn chính trị.

"Ukraine rất cần tên lửa phòng không để bảo vệ ngành công nghiệp, bảo vệ các nhà máy điện và cơ sở hạ tầng của mình. Tôi nghĩ thà chi tiền để bảo vệ Ukraine còn hơn là sau này phải xây dựng lại", nhà ngoại giao Ba Lan cho biết thêm.

Ngoại trưởng Sikorski cho rằng cuộc chiến ở Ukraine chỉ có thể kết thúc khi Nga "hiểu rằng cái giá phải trả nếu tiếp tục xung đột, xét về mặt nhân lực và tài chính, cao hơn mục tiêu mà họ muốn đạt được".

Trước đó, Tướng Janne Jaakkola, tư lệnh Lực lượng vũ trang Phần Lan, cũng nhận định Nga hiện quá bận rộn chuẩn bị cho chiến dịch tấn công mới vào mùa hè ở Ukraine nên chưa thể tính đến việc tấn công NATO.

Tướng Jaakkola nói rằng việc kích hoạt Điều 5 của Hiến chương NATO, quy định về phòng vệ tập thể trong trường hợp NATO bị tấn công, "luôn luôn có thể thực hiện được, nhưng nếu chúng ta hành động đúng đắn và duy trì sự thống nhất, tôi cho rằng một cuộc tấn công khó có thể xảy ra".

Điều 5 về phòng thủ tập thể của NATO quy định, bất cứ cuộc tấn công hay mối đe dọa nào nhằm vào một trong các thành viên của khối sẽ bị coi là tấn công, đe dọa cả liên minh. Khi đó, NATO có quyền đáp trả tập thể.

Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski hồi tháng 4 cảnh báo cuộc tấn công của Nga vào bất kỳ quốc gia NATO nào chắc chắn sẽ dẫn đến sự thất bại của Moscow. Ông cho biết "NATO có lực lượng lớn gấp 3 lần, nguồn lực phòng không lớn gấp 3 và số lượng tàu chiến gấp 4 lần của Nga".

Theo nhà ngoại giao Ba Lan, Nga chỉ có hơn 1,3 triệu quân nhân sau đợt huy động đầu tiên vào tháng 9/2022. Trong khi đó, lực lượng của NATO chưa huy động là 3,5 triệu người, gấp gần 3 lần của Nga.

Ngoài ra, GDP danh nghĩa của các nước NATO và EU là hơn 45.000 tỷ USD, trong khi của Nga và Belarus chỉ là 2.200 tỷ USD, tức là ít hơn 20 lần.

Gần đây, một số quan chức phương Tây cho rằng, Nga có thể tấn công các nước NATO trong vòng 5-8 năm tới nếu giành chiến thắng ở Ukraine.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ nhận định, hiện có một số dấu hiệu cho thấy Nga đang chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc xung đột lớn với NATO, trong đó có việc tăng quy mô sản xuất quốc phòng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bác bỏ những suy đoán này. "Điều này thật vô nghĩa. Những suy đoán rằng chúng tôi sẽ tấn công châu Âu sau Ukraine hoàn toàn vô nghĩa và chỉ nhằm dọa người dân của họ để lấy tiền của họ", ông tuyên bố hồi cuối tháng 3.

Theo Pravda

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC