Sự cố Ever Given phơi bày điểm yếu của hệ thống thương mại toàn cầu, khi vận tải biển quá phụ thuộc vào kênh đào nhỏ hẹp.

Sáng nay, hãng cung cấp dịch vụ hàng hải Inchcape cho biết tàu container Ever Given đã nổi trở lại sau gần một tuần đâm vào bờ kênh Suez và mắc cạn. Con tàu gần như xoay ngang, bịt kín tuyến hàng hải qua kênh đào Suez, khiến mọi hoạt động di chuyển qua kênh đào phải dừng.

Kênh đào Suez là cửa ngõ cho dòng chảy hàng hóa giữa châu Âu và châu Á. Năm 2019, hơn 19.000 tàu đi qua tuyến này, tương đương gần 1,25 tỷ tấn hàng hóa. Con số này đại diện cho gần 13% thương mại toàn cầu. Vì thế, việc tắc nghẽn có thể gây ra tác động rất lớn. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính 90% thương mại toàn cầu là qua đường biển.

Khi mọi chuyện bình thường, người tiêu dùng hiếm khi nghĩ đến việc hàng hóa họ mua sắm đã đi vòng quanh thế giới để tới tận nhà mình ra sao. Vì thế, chỉ đến khi sự cố như Ever Given xảy ra, điểm yếu của hệ thống thương mại toàn cầu mới bị phơi bày, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định.

42 1 Bai Hoc Cho Kinh Te Toan Cau Tu Vu Tau Mac Ket O Kenh Suez

Tàu Ever Given mắc kẹt ở kênh đào Suez. Ảnh: AP

Gió lớn được cho là nguyên nhân khiến con tàu mắc cạn. Tuy nhiên, khi vận tải biển quá phụ thuộc vào những con kênh nhỏ hẹp như vậy, rủi ro xảy ra các sự cố như Ever Given luôn hiện hữu.

Ever Given là một trong những tàu container lớn nhất thế giới với tổng trọng tải hơn 200.000 tấn. Hiện chưa rõ có chính xác bao nhiêu tàu container kích cỡ tương đương lưu thông qua Suez. Tuy nhiên, tàu container thường đóng góp một phần ba giao thông qua kênh đào. Độ sâu và độ lớn của các tàu này khiến chúng khó xoay sở trong kênh. Vì thế, ở nơi hẹp, tàu cỡ lớn sẽ phải duy trì một tốc độ để điều hướng hiệu quả. Với tải trọng lớn, chúng không thể dừng đột ngột. Nếu có sự cố, thủy thủ đoàn chỉ có rất ít thời gian để phản ứng.

WEF cho rằng sự cố lần này gần như không thể tránh khỏi. Đây là kịch bản tệ nhất với kênh đào Suez, cho thấy tác động lan truyền đối với thương mại hàng hóa toàn cầu - điểm sáng hiếm hoi trong năm qua, và gần đây mới quay về mức tiền đại dịch.

Kênh đào Suez bắt đầu được mở rộng từ năm 2014, nhằm nâng công suất phục vụ từ 49 tàu một ngày hiện tại lên 97 năm 2023. Những con số này cho thấy có bao nhiêu tàu thuyền có khả năng chịu ảnh hưởng từ tình hình hiện tại. Ever Given đã thoát mắc cạn, nhưng các tàu vẫn chưa thể lưu thông qua kênh Suez.

Ít nhất 369 tàu chở theo số lượng hàng hóa trị giá hàng tỷ USD đã bị mắc kẹt tại các lối vào kênh đào Suez. Trong đó có 10 tàu dầu chở theo 13 triệu thùng. Nếu phải chuyển hướng, hành trình của các tàu này có thể mất thêm 15 ngày.

Patrick De Haan - Người đứng đầu mảng phân tích dầu mỏ tại Gasbuddy cho biết trên ABC News rằng: "Nếu kênh đào Suez tắc nghẽn thêm vài ngày hoặc một tuần nữa, dòng chảy dầu giữa Trung Đông và châu Âu sẽ gián đoạn, tác động lên giá dầu toàn cầu". Trên thực tế, giá dầu thô đã tăng vọt cuối tuần trước vì lo ngại này. Tuy nhiên, thị trường dần hạ nhiệt từ sáng nay sau tin Ever Given thoát mắc cạn.

Nghiên cứu từ công ty bảo hiểm Đức Allianz cho biết mỗi ngày kênh đào Suez bị chặn có thể gây thiệt hại thương mại toàn cầu khoảng 6-10 tỷ USD. Trong đó, gánh hậu quả chủ yếu là các hãng xuất khẩu châu Á và các nhà nhập khẩu châu Âu. Tổng chi phí, dù vẫn còn nhỏ nếu so với quy mô 18.000 tỷ USD thương mại hàng hóa toàn cầu, sẽ ngày càng tăng khi kênh đào vẫn tắc nghẽn.

"Đây là cú giáng mạnh vào chuỗi cung ứng vốn đang gượng dậy từ đại dịch", Rahul Kapoor - Phó giám đốc phụ trách hàng hải và thương mại tại IHS Global Insight cho biết trên Bloomberg, "Nếu việc này kéo dài hàng tuần, chúng ta có thể gọi đó là thảm họa". Vincent Stamer - chuyên gia thương mại quốc tế tại Viện Kinh tế Quốc tế Kiel (Đức) thì cho biết hiện tại "còn quá sớm để định lượng hậu quả kinh tế".

Tuy nhiên, các công ty thì không còn nhiều thời gian để lên kế hoạch dự phòng. Một số tàu container và tàu dầu đã phải đi đường khác, khiến hành trình Á - Âu dài thêm hơn một tuần, tiêu tốn thêm hàng trăm nghìn USD chi phí nhiên liệu. Nhiều công ty, từ Ikea đến Caterpillar, còn cân nhắc thay đổi kế hoạch về nguồn hàng.

WEF cảnh báo sự cố này cho thấy khi tàu chở hàng càng lớn và phức tạp, việc chúng phụ thuộc vào những tuyến đường biển nhỏ hẹp, được xây dựng từ cách đây rất lâu là một rủi ro lớn. Trong ngắn hạn, thương mại toàn cầu bị gián đoạn sẽ khiến chi phí vận chuyển cao hơn, nguồn cung giảm sút và việc giao nhận mất thời gian hơn.

Nếu phải chuyển hướng vòng qua châu Phi, công suất chuyên chở của tàu container toàn cầu sẽ giảm 6%, tương đương với việc loại bỏ 74 tàu cỡ lớn như Eve Given, hãng nghiên cứu Sea-Intelligence cho biết. "Hao hụt lượng công suất này sẽ có tác động lên toàn cầu, dẫn đến thiếu cung trầm trọng. Mọi tuyến thương mại đều sẽ chịu ảnh hưởng".

Kể cả trước khi sự cố diễn ra, chi phí đầu vào tại khu vực đồng euro đã tăng với tốc độ nhanh nhất một thập kỷ. Giá nguyên liệu đầu vào và sản phẩm của các doanh nghiệp Mỹ cũng lập kỷ lục mới, do thiếu nhiên liệu và nguồn cung gián đoạn.

Còn về dài hạn, sự cố này có thể buộc thế giới nghĩ lại về rủi ro của việc toàn cầu hóa quá mức và chuỗi cung ứng phụ thuộc vào những yếu tố quá khó lường. Dù vậy, quá lo lắng về điều này cũng sẽ là một sai lầm, Robert Koopman - kinh tế trưởng tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết.

Ông coi sự cố Suez là phép thử mà kinh tế toàn cầu phải trải qua, nhưng mọi chuyện rồi cũng sẽ được giải quyết. Koopman cho rằng dù là giá lạnh đột ngột ở Texas hay cháy nhà máy chip ở Nhật Bản, các sự cố như vậy vẫn diễn ra thường xuyên và doanh nghiệp đều tìm được cách thích ứng.

"Có nhiều rủi ro thực sự ở ngoài kia. Họ phải chú ý đến những điều đó. Tôi không cho rằng đây là chỉ báo cho rủi ro về toàn cầu hóa quá mức đâu", ông kết luận.

Hà Thu

Nguồn: vnexpress.net




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC