Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 12/7 đăng video cho thấy máy bay không người lái (UAV) trinh sát của Trung đoàn 14 theo dõi một tổ hợp phòng không Tor được Nga triển khai ở khu vực trống trải. Phát hiện UAV Ukraine, hệ thống Tor khai hỏa tên lửa, song quả đạn bay trượt mục tiêu.
UAV này lập tức chuyển tọa độ cho pháo binh Ukraine để tập kích tổ hợp Tor. Quả đạn thứ hai phát nổ ngay sát hệ thống phòng không Nga.
"Tổ hợp Tor của Nga cố bắn hạ UAV của chúng tôi, song thất bại và bị pháo HIMARS phá hủy", Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, nhưng không công bố hình ảnh thiệt hại của đối phương sau vụ tập kích.
Xe phòng không Nga bắn trượt UAV Ukraine, bị HIMARS tập kích
Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin.
Hệ thống phòng không tầm ngắn Tor được phát triển từ đầu những năm 1980 và biên chế cho quân đội Nga vào năm 1986. Tổ hợp bao gồm ăng-ten giám sát, radar theo dõi và bệ phóng tên lửa đặt trên khung gầm xe bánh xích. Nó có vận tốc tối đa 60 km/h với khả năng vừa quét mục tiêu vừa di chuyển. Các biến thể sau còn có thể khai hỏa trong lúc di chuyển, song chỉ ở mức độ hạn chế.
Hệ thống Tor cơ bản có thể mang theo 8 tên lửa 9M330/9M331. Chúng có trọng lượng phóng 165 kg và vận tốc tối đa Mach 2 (2.469 km/h), có thể bắn trúng mục tiêu ở độ cao 6 km và khoảng cách 15 km.
Hệ thống phòng không Tor-M1. Ảnh: Wikimedia
Các tài khoản mạng xã hội nhận định đạn phòng không của tổ hợp Tor không được thiết kế để tập kích các mục tiêu như UAV trinh sát của Ukraine, do chúng có kích thước quá nhỏ để kích hoạt đầu dò cận đích trên tên lửa. Điều tương tự từng xảy ra trong video do Lữ đoàn số 79 Ukraine đăng cuối tháng 6, trong đó tổ hợp phòng không Osa của Nga khai hỏa tên lửa để đánh chặn UAV Ukraine, song quả đạn không phát nổ khi bay sượt qua mục tiêu.
Sergey Makarenko, giáo sư tại Đại học Kỹ thuật điện St. Petersburg của Nga, năm ngoái cũng cho biết lực lượng phòng thủ của Moskva "gần như không thể" bắn trúng những chiếc UAV kích thước nhỏ bằng các vũ khí hiện có.
HIMARS là pháo phản lực phóng loạt tự hành đặt trên khung gầm bánh lốp, có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách tới 300 km, tùy loại đạn và cấu hình. Xe bệ phóng HIMARS có thể đạt tốc độ tối đa 85 km/h và nhanh chóng rời khỏi vị trí khai hỏa để tránh bị phản pháo. Mỹ đã chuyển giao cho Ukraine ít nhất 39 tổ hợp HIMARS từ đầu xung đột.
Phạm Giang (Theo Newsweek)
Nguồn: VNEXPRESS.NET