Một góc phố New Caledonia tan hoang sau cuộc bạo loạn ngày 14-5 - Ảnh: AFP
Theo báo Guardian, chiều 15-5 (giờ địa phương), nội các Pháp họp khẩn để giải quyết tình trạng bất ổn tại đảo New Caledonia - lãnh thổ của nước này ở Thái Bình Dương, cách Paris 17.000km.
Pháp ban bố tình trạng khẩn cấp
Sau phiên họp, người phát ngôn Chính phủ Pháp Prisca Thevenot tuyên bố Paris kích hoạt tình trạng khẩn cấp trên toàn bộ hòn đảo nhỏ này trong vòng 12 ngày.
Động thái này được tiến hành sau khi biểu tình và bạo động nổ ra tại New Caledonia từ đêm 13-5, khiến bốn người thiệt mạng, hơn 300 người bị thương và ít nhất 130 người bị lực lượng chức năng bắt giữ.
Các cuộc biểu tình trên nhằm phản đối việc Hạ viện Pháp biểu quyết thông qua dự luật cho phép những người Pháp sống tại New Caledonia trên 10 năm tham gia bầu cử địa phương tại vùng lãnh thổ này.
Một lượng lớn người bản địa Kanak không đồng tình với dự luật này. Họ lo ngại dự luật trên sẽ làm giảm tỉ lệ phiếu bầu của dân tộc mình, vốn chỉ chiếm 41% dân số New Caledonia.
Việc này sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến tiếng nói của người dân bản địa, cũng như hạn chế mạnh mẽ phong trào đấu tranh đòi độc lập khỏi Pháp vốn đã âm ỉ tại hòn đảo này suốt nhiều năm.
Các cuộc biểu tình, bạo loạn nổ ra từ hôm 13-5, trước thềm cuộc biểu quyết tại Hạ viện Pháp. Bất chấp làn sóng phản đối, ngày 14-5, cơ quan lập pháp nước này vẫn thông qua dự luật với số phiếu áp đảo.
Điều này khiến làn sóng bạo lực nhanh chóng leo thang tại New Caledonia. Trong số bốn người thiệt mạng có ba thanh niên Kanak và một thành viên lực lượng chức năng.
Với việc tình trạng khẩn cấp được ban bố, chính quyền địa phương New Caledonia sẽ có nhiều "công cụ" để giải quyết bạo loạn hơn. Trong đó có việc ra lệnh quản thúc tại gia với những cá nhân được cho là mối nguy với trật tự xã hội.
Đến tối 15-5, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal báo cáo trong một cuộc họp cấp bộ trưởng rằng binh sĩ đã được triển khai để kiểm soát các khu vực bến cảng, sân bay quốc tế quan trọng của New Caledonia.
Trong khi đó, đại diện Chính phủ Pháp tại hòn đảo này đã ra lệnh "cấm TikTok". Bộ Nội vụ cũng cho biết khoảng 500 nhân viên cảnh sát sẽ được điều động đến hòn đảo Thái Bình Dương "trong ít giờ tới" nhằm củng cố lực lượng chức năng tại đây.
Lãnh thổ xa xôi của Pháp
Ngày 16-5, người dân New Caledonia xếp hàng trước một siêu thị để dự trữ nhu yếu phẩm phòng trường hợp không thể ra đường - Ảnh: AFP
New Caledonia là hòn đảo nằm trên Thái Bình Dương, gần Úc, Fiji và Vanuatu và cách Pháp đến 17.000km. Hòn đảo này có diện tích hơn 18.000km2 và dân số gần 270.000 người.
New Caledonia trở thành thuộc địa của Pháp từ năm 1853. Sau nhiều thập kỷ, hòn đảo này trở thành vùng lãnh thổ bán tự trị của Pháp.
Trong quá khứ, làn sóng bất bình vì bị phân biệt đối xử đã lan rộng trong lòng người bản địa New Caledonia. Nhiều cuộc bạo loạn dữ dội đã diễn ra trên hòn đảo này trong những năm 1980. Điều này buộc Paris đồng ý ký kết Hiệp định Noumea năm 1998, với lời hứa trao thêm quyền tự quyết chính trị cho cộng đồng Kanak ở đây.
Trong những qua, New Caledonia đã tổ chức nhiều cuộc trưng cầu ý dân (2018, 2020 và 2021) về việc có tách khỏi Pháp hay không. Kết quả của tất cả các cuộc trưng cầu này là việc ở lại Pháp. Tuy nhiên, phong trào đòi độc lập vẫn rất mạnh mẽ ở đây.
Ngày 14-5, nhằm xoa dịu tình hình, ông Attal đã khẳng định Chính phủ Pháp sẽ không yêu cầu quốc hội hoàn thành việc thông qua dự luật trên trước khi đàm phán với các lãnh đạo cộng đồng người Kanak.
Thủ tướng Pháp tuyên bố trước Hạ viện: "Tôi thân mời các lãnh đạo chính trị của New Caledonia nhân cơ hội này đến Paris để thương lượng trong những tuần tới. Điều quan trọng là hàn gắn. Việc đối thoại rất quan trọng. Chúng ta cần tìm một giải pháp chính trị chung, mang tính toàn cầu".
NGỌC ĐỨC
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online