Một phụ nữ cầm biểu ngữ ghi thông điệp "Chúng tôi cũng là người Mỹ" như thể hiện sự chua chát của những người gốc Á khi bị phân biệt đối xử ở Mỹ. Ảnh: AFP
Thời gian gần đây, dư luận nước Mỹ liên tục sôi sục trước làn sóng bạo lực gia tăng nhằm vào người gốc Á. Trung tâm Nghiên cứu về hận thù và chủ nghĩa cực đoan thuộc Đại học bang California cho biết, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tội phạm thù hận nhằm vào người gốc Á ở 16 thành phố lớn nhất của Mỹ đã tăng tới 150%.
Hiểm họa từ những quan niệm sai lầm
Nhiều cuộc tấn công trong số này được cho là bắt nguồn từ tâm lý kỳ thị, phân biệt đối xử. Ông Pawan Dhingra, Giáo sư Xã hội học và Nghiên cứu Mỹ tại Trường Đại học Amherst cho rằng, phân biệt chủng tộc có thể là một phần nguyên nhân gây ra các vụ bạo lực ngay cả khi đối tượng phạm tội không thể hiện rõ tâm lý này.
Vụ xả súng vào 3 spa ở thành phố Atlanta, bang Georgia ngày 16/3, khiến 8 người chết, gồm 6 người gốc Á, là vụ tấn công nghiêm trọng nhất. Vẫn còn nhiều điều chưa rõ về vụ xả súng này. Nghi phạm nói rằng anh ta không có tâm lý phân biệt chủng tộc đối với người người gốc Á, thay vì đó, thú nhận mắc chứng nghiện tình dục. Điều đó chỉ ra rằng, nghi phạm có thể đã xem các nạn nhân như những người hành nghề mại dâm. Quan niệm sai lầm này và các vụ bạo lực chỉ là một trong số rất nhiều nỗi đau mà người Mỹ gốc Á phải chịu đựng trong suốt những năm qua.
Những định kiến cho rằng phụ nữ gốc Á luôn phục tùng, dễ đáp ứng nhu cầu tình dục và khác lạ bắt nguồn từ nhiều thế kỷ trước. Quan niệm này đã khiến phụ nữ gốc Á bằng mọi cách phải chứng minh họ không hành nghề mại dâm trước khi được phép nhập cư vào Mỹ.
Thời kỳ chiến tranh (chẳng hạn như Chiến tranh Mỹ-Philippines hoặc Thế chiến 2), nhiều binh lính Mỹ ở nước ngoài được cho là đã mua dâm hoặc bảo trợ cho ngành công nghiệp tình dục tại châu Á. Không ít phụ nữ đã tham gia vào ngành công nghiệp này hay có quan hệ tình cảm với binh sỹ Mỹ, một phần vì hoàn cảnh kinh tế.
Văn hóa đại chúng cũng làm trầm trọng thêm những nhận thức lệch lạc về phụ nữ gốc Á. Một số bộ phim đã xây dựng hình ảnh phụ nữ gốc Á với sự mê hoặc về tình dục hoặc cung cấp các dịch vụ kiểu như vậy. Điều đó đã khiến họ trở thành “con mồi” của những kẻ buôn bán tình dục và bị ép buộc trở thành công cụ để phục vụ ham muốn của nam giới.
Những quan niệm sai lầm bắt nguồn từ lịch sử nước Mỹ đã tạo tiền đề cho các vụ xả súng ở Atlanta, khiến các tiệm spa và tiệm massage có người châu Á làm việc dễ trở thành mục tiêu tấn công của những kẻ bạo lực.
Không được coi là “người Mỹ thực thụ”
Tuần hành phản đối phân biệt đối xử với người gốc Á tại Mỹ. Ảnh: AP.
Một số hành vi bạo lực khác nhằm vào gốc Á có thể không bắt nguồn từ quan niệm lệch lạc về tình dục nói trên, nhưng vẫn thể hiện rõ thành kiến chống người Mỹ gốc Á. Hôm 29/3, một phụ nữ gốc Á, 65 tuổi bị gã đàn ông da màu vô cớ đạp ngã và đá vào đầu ngay trên đường phố đông người tại Manhattan, New York hôm 29/3. Trước đó vào tháng 1, ông Vichar Ratanapakdee, một người nhập cư gốc Thái Lan 84 tuổi, đã bị xô ngã dẫn đến tử vong ở TP.San Francisco, bang California. Các luật sư bào chữa cho nghi phạm trong vụ Ratanapakdee nói rằng phân biệt chủng tộc không phải là động cơ gây án. Tuy nhiên theo chuyên gia Pawan Dhingra, đây có thể là một yếu tố liên quan.
Trên thực tế, tất cả những người Mỹ gốc Á, đặc biệt là những nam giới cao tuổi thường được cho là yếu đuối, nhu nhược và không có tâm lý chống trả, trái ngược hoàn toàn với nam giới thuộc các chủng tộc khác. Vì thế họ cũng dễ trở thành mục tiêu của các vụ tấn công.
Chuyên gia Pawan Dhingra cho rằng, phân biệt chủng tộc không được coi là một loại tội phạm và những định kiến “thâm căn cố đế” đã khiến người ta có xu hướng phớt lờ hoặc bình thường hóa các vụ bạo lực nhằm vào người gốc Á.
Khi dịch Covid-19 lan rộng tại Mỹ, các cơ sở kinh doanh do người gốc Á điều hành là những nơi đầu tiên bị sụt giảm doanh thu, mặc dù hầu hết các trường hợp mắc Covid-19 sớm nhất ở Mỹ đến từ châu Âu. Quan niệm bắt nguồn từ trong lịch sử cho rằng người gốc Á mang dịch bệnh và virus vào Mỹ đã khiến nhiều tránh xa các cơ sở kinh doanh của người Mỹ gốc Á. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, những dòng Tweet mà cựu Tổng thống Trump đăng tải, trong đó gọi virus SARS-CoV-2 là “virus Trung Quốc” hay “kung flu” (cúm Kung chơi chữ với từ Kung-fu là môn võ cổ truyền của Trung Quốc - ND) càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Tâm lý kỳ thị và giả định sai lầm nói trên dẫn đến tình trạng người Mỹ gốc Á có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trên toàn quốc kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra.
Một nghiên cứu mới đây cho biết, hầu hết người dân Mỹ đều coi người gốc Á là “người nước ngoài”, trừ khi có một số thay đổi về ngoại hình, chẳng hạn như thừa cân.
Ông Pawan Dhingra lưu ý, người Mỹ gốc Á sẽ phải thường xuyên trải nghiệm cảm giác không “được coi là một người Mỹ thực thụ”, dù họ có nỗ lực thế nào đi chăng nữa.
Còn Janelle Wong, Giáo sư nghiên cứu người Mỹ gốc Á ở Đại học Maryland cho rằng, nếu không có tâm lý coi người Mỹ gốc Á “mãi là người nước ngoài” bám sâu và mạnh tại Mỹ thì đã không xảy ra tình trạng thù hằn nhằm vào họ như hiện nay. ./.
Nguồn: Hồng Anh/VOV.VN