Cuộc bầu cử Mỹ 2024 có thể chứng kiến một bước ngoặt khi thông tin về việc Tổng thống Mỹ Joe Biden rút lui ngày một dày đặc, còn đối thủ Donald Trump lại bật lên đặc biệt mạnh mẽ sau vụ ám sát ông bất thành.

1 Bau Cu My Cho Buoc Ngoat

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 có thể sẽ không phải màn tái đấu giữa ông Trump và ông Biden - Ảnh: AFP - Nguồn: NEW YORK TIMES - Dữ liệu: NGỌC ĐỨC - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Hôm 18-7, tờ New York Times dẫn một số nguồn tin "thân cận với tổng thống" khẳng định ông Biden đã bắt đầu chấp nhận thực tế rằng ông khó đắc cử vào tháng 11 tới cũng như có thể phải rời khỏi cuộc đua sớm hơn nhằm nhường suất ứng viên đề cử cho một người khác bên Đảng Dân chủ.

Bỏ cuộc hay chiến đấu?

Đó là một trong những tin đồn tiếp theo về áp lực dành cho ông Biden trong giai đoạn khó khăn trogn cuộc Bầu cử Mỹ hiện nay.

Bước ra khỏi cuộc tranh luận bị đánh giá lép vế trước ông Trump hồi cuối tháng 6, ông Biden vẫn quyết tâm khẳng định bản thân đủ sức để trở thành tổng thống Mỹ một nhiệm kỳ nữa. Tuy nhiên, sự cố gắng ấy dường như chỉ phản tác dụng.

Sau khi đọc nhầm tên tổng thống Ukraine là "ông Putin", Tổng thống Mỹ lại vướng tin đồn điều trị bệnh Parkinson. Đến ngày 17-7, ông đón nhận tin dữ khi được chẩn đoán mắc COVID-19. Tình hình ấy khiến ông đối diện làn sóng ngầm ngày một hiện rõ trong nội bộ Đảng Dân chủ, yêu cầu ông từ bỏ nỗ lực tranh cử.

Trong bản tin của New York Times nêu trên, một số nguồn tin thừa nhận thực tại đang dần hiện rõ và sẽ không bất ngờ nếu ông Biden thông báo đề xuất Phó tổng thống Kamala Harris làm người thay thế mình.

Một số thành viên cấp cao trong bộ sậu tổng thống Mỹ cho rằng quyết định bám trụ đường đua của ông bị dao động bởi ba yếu tố: việc cựu chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi trực tiếp khuyên ông nghỉ, các kết quả khảo sát cử tri ngày một nghiêng về ông Trump và sự phản đối từ chính những nhà tài trợ của Đảng Dân chủ. Sau cánh gà, ông Chuck Schumer và Hakeem Jeffries - lãnh đạo Đảng Dân chủ ở cả Thượng viện và Hạ viện - cũng truyền tải những thông điệp tương tự.

Tuy nhiên, bất chấp những cơn gió ngược, vẫn còn một bộ phận thân hữu khẳng định ông Biden chắc chắn không từ bỏ. Ông Mike Donilon, cố vấn cấp cao lâu năm và là một trong những bằng hữu trung thành nhất của ông Biden, khẳng định cuộc đua vào Nhà Trắng chưa nghiêng hẳn về bên nào và vẫn còn đường để đương kim tổng thống giành nhiệm kỳ thứ hai. Gia đình ông Biden cũng ủng hộ quyết định bám trụ, nhấn mạnh cuộc đời vốn đã vượt qua rất nhiều gian truân của vị chính trị gia 81 tuổi.

Thứ không giết được bạn...

Tối 18-7, ông Trump xuất hiện trên sân khấu Đại hội Đảng Cộng hòa để phát biểu nhận đề cử tổng thống. Ngoài tấm băng gạc ở tai, cựu tổng thống Mỹ không cho thấy dấu hiệu nào của việc vừa bị ám sát. Ánh sáng sân khấu càng giúp màn xuất hiện của ông Trump thêm phần kịch tính, hệt như của một siêu sao đô vật Mỹ.

Màn tái xuất gợi nhắc câu hát "Thứ không giết được bạn sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn" của nữ ca sĩ Demi Lovato. Từ sau pha "chết hụt", hình ảnh giơ cao nắm đấm của ông Trump đã phần nào trở thành biểu tượng.

Lần đầu tiên bài phát biểu dài đến 92 phút của ông Trump - dài nhất trong lịch sử những bài phát biểu nhận đề cử tổng thống được phát sóng truyền hình (theo Politico) - lại tập trung vào thông điệp đoàn kết.

Ông khẳng định: "Trong thời kỳ chính trị chia rẽ chúng ta quá nhiều, đã đến lúc nhớ lại mình là người một nước. Chúng ta là một quốc gia dưới tên của Chúa, không thể bị chia cắt, với tự do và công lý dành cho tất cả mọi người. Như tổ tiên ngày trước, giờ đây chúng ta phải sát cánh cùng nhau vượt qua các bất đồng quá khứ. Bất kỳ sự mâu thuẫn nào cũng cần được gạt sang một bên và cùng nhau đi tiếp, đoàn kết dưới tư cách một dân tộc, một quốc gia thề nguyện trung thành với lá cờ Mỹ tuyệt đẹp, vĩ đại".

Những phát biểu ấy của ông Trump được Đại hội Đảng Cộng hòa ủng hộ nhiệt liệt. Có thể thông điệp đoàn kết này chính là điều ông đã thêm vào bài phát biểu sau khi bị bắn, như ông đã chia sẻ.

Tuy nhiên, trái với những giây phút sôi nổi ban đầu, phần còn lại của bài phát biểu lại khá... tẻ nhạt. Ứng viên Đảng Cộng hòa tiếp tục thao thao bất tuyệt về những chính sách và quan điểm của mình, từ "cuộc săn phù thủy" chống lại ông của Đảng Dân chủ cho đến chỉ trích tình hình lạm phát, chính sách biên giới của chính quyền ông Biden mà không đưa ra dẫn chứng xác thực nào.

Thậm chí, ông còn khẳng định tự tin rằng nước Mỹ dưới sự lèo lái của mình sẽ dẫn dắt thế giới vào thời kỳ không xung đột. "Tôi có thể ngăn một cuộc chiến nổ ra chỉ bằng một cuộc gọi", ông tuyên bố.

Cây bút Jeff Greenfield của trang Politico nhận định: "Bài phát biểu được mở đầu bằng việc ông Trump kể lại từng chi tiết trong trải nghiệm "chết hụt" của mình - điều không ứng viên tổng thống nào từng làm. Tuy nhiên, ngay sau khi câu chuyện đó kết thúc, nó quay lại thành một bài phát biểu kêu gọi rất "Trump". Câu từ được chuẩn bị sẵn được đọc bởi giọng nói đều đều, xen lẫn bởi những đoạn hô hào dông dài.

Kể cả sau trải nghiệm có thể thay đổi đời người của bất kỳ ai, ông Trump vẫn là ông Trump".

Ông Trump tiếp tục nới rộng khoảng cách

Đến nay, chưa có một khảo sát cử tri lớn nào được thực hiện sau thời điểm ông Trump bị ám sát không thành. Nhưng ngay từ trước sự kiện trên, tỉ lệ ủng hộ của ông đã bỏ xa ông Biden.

Theo công cụ theo dõi của báo New York Times, tính đến ngày 17-7, tỉ lệ ủng hộ trung bình trong các cuộc khảo sát toàn quốc đối với ông Trump là 47%, hơn 44% của ông Biden. Trước cuộc tranh luận, tỉ lệ này gần như hòa nhau.

Đáng chú ý hơn, ông Trump đang dẫn trước ông Biden tại hầu hết bang chiến địa. Chênh lệch phổ biến trong khoảng 4 - 6%, cá biệt có bang Nevada lên đến 7%.

Để không bỏ lỡ các thông tin liên quan bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, mời bạn đọc theo dõi chuyên trang bầu cử tổng thống Mỹ 2024 của Tuổi Trẻ Online tại đây.

NGỌC ĐỨC

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC