Biểu tượng Ngân hàng HSBC tại London, Anh. Ảnh: kentonline.co.uk
Một nghiên cứu công bố ngày 9-3 cho biết các ngân hàng Anh sẽ phải đối mặt với xung đột lợi ích tiềm ẩn liên quan tới vấn đề biến đổi khí hậu, vì gần 80% thành viên hội đồng quản trị của họ có mối liên hệ với các lĩnh vực gây ô nhiễm cao. Thông tin trên được đưa ra trong báo cáo của DeSmog, một nhóm điều tra các vấn đề khí hậu.
Theo báo cáo, 50 trong số 64 quản lý cấp cao hàng đầu tại 5 ngân hàng lớn nhất của Vương quốc Anh - gồm Barclays, HSBC, Lloyds, NatWest và Standard Chartered - có mối liên hệ trong quá khứ hoặc hiện tại với những doanh nghiệp gây nhiều ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, 1/4 trong số các quản lý cấp cao đó đang, hoặc đã có, liên kết trực tiếp với lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch vốn thải ra nhiều khí CO2. DeSmog cho hay điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng của họ trong việc đánh giá một cách công bằng các nghị quyết của cổ đông về thúc đẩy các ngân hàng thực sự chấm dứt tài trợ cho lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch.
Ông Rachel Sherrington, trưởng nhóm nghiên cứu của DeSmog, cho biết các ngân hàng có vai trò quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, bằng cách "dọn dẹp" danh mục đầu tư của họ và loại bỏ hỗ trợ cho các ngành công nghiệp gây hại cho môi trường.
Các ngân hàng được nêu tên trong báo cáo đã từ chối hoặc chưa đưa ra bình luận về thông tin trên. Giới doanh nghiệp đang phải đối mặt với những yêu cầu ngày càng cao về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Giám đốc điều hành (CEO) của NatWest, bà Alison Rose đã ưu tiên vấn đề khí hậu trong chương trình nghị sự của mình bằng cách cam kết chấm dứt các khoản vay cho các dự án nhiệt điện vào năm 2030. HSBC cũng đặt mục tiêu đạt được mức phát thải CO2 ròng bằng không từ các khoản đầu tư của mình vào năm 2050.
Trong khi đó, cả Barclays và HSBC đều phải đối mặt với các động thái của cổ đông nhằm hạn chế hoặc loại bỏ việc đầu tư cho lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online