Trụ sở hội đồng thành phố Narva của Estonia được xây cách biên giới Nga vài bước chân, cạnh quảng trường mang tên Sa hoàng Nga Peter Đại đế. Hầu hết dân ở thành phố lớn thứ ba Estonia này coi tiếng Nga là ngôn ngữ mẹ đẻ và 1/3 cư dân có quốc tịch Nga.
Năm 1993, trước khi Estonia gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và NATO, hội đồng thành phố Narva được Moskva hậu thuẫn đã tổ chức trưng cầu dân ý về "quyền tự trị". Với 54% cử tri đi bỏ phiếu, người dân Narva ủng hộ phương án tự trị, nhưng chính phủ Estonia không công nhận kết quả cuộc trưng cầu, cho rằng đây là mối đe dọa với độc lập và toàn vẹn lãnh thổ.
Cơn sốt ly khai sau đó hạ nhiệt, nhưng mối đe dọa từ Nga thì không. Cây cầu biên giới nhộn nhịp bắc qua sông Narva đã đóng cửa kể từ tháng 2, sau khi quan hệ giữa Estonia và Nga xấu đi nhanh chóng. Tại trạm kiểm soát biên giới Estonia, một tấm biển yêu cầu người đến từ Nga cung cấp thông tin về những mối đe dọa an ninh đối với quốc gia này.
Chính phủ Nga hồi tháng 2 cũng ban hành lệnh bắt Thủ tướng Estonia Kaja Kallas sau khi Tallinn yêu cầu phá dỡ các tượng đài Hồng quân Liên Xô. Bà Kallas được cho là lãnh đạo nước ngoài duy nhất nằm trong danh sách truy nã của Điện Kremlin.
Con đường qua biên giới Nga - Estonia ở Narva đóng cửa từ ngày 1/2. Ảnh: Reuters
Dù ít người cho rằng Nga sẽ đưa quân tới Estonia trong tương lai gần, các nước phương Tây ngày càng lo ngại Tổng thống Vladimir Putin sẽ thăm dò quyết tâm của họ bằng cách thách thức thành viên NATO, đặc biệt là ba quốc gia vùng Baltic gồm Estonia, Latvia và Litva, nếu Moskva giành thắng lợi trong cuộc chiến ở Ukraine.
"Chúng tôi biết Nga có động cơ và phương tiện, giờ chỉ cần thêm cơ hội", Tomas Jermalavicius, người phụ trách nghiên cứu tại Trung tâm Quốc phòng và An ninh Quốc tế ở Tallinn, nói.
Những lo ngại như vậy là lý do khiến Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson thúc đẩy gói viện trợ hơn 60 tỷ USD cho Ukraine, bất chấp phản đối của phe cực hữu đảng Cộng hòa. "Ông Putin sẽ tiếp tục tiến về châu Âu nếu không bị ngăn cản", ông Johnson nói.
Tổng thống Nga bác bỏ những cảnh báo về nguy cơ Nga tấn công các thành viên NATO như Estonia, cho rằng luận điệu này là "vô căn cứ". Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Điện Kremlin cũng từng bác bỏ những cảnh báo về cuộc chiến ở Ukraine trước khi đưa quân vào nước láng giềng.
"Nga không che giấu mục tiêu của họ trong cuộc chiến, đó là kiểm soát Ukraine và định hình lại cấu trúc an ninh châu Âu bằng cách tạo ra vùng đệm ở biên giới phía tây, nỗ lực phá hủy NATO và EU", Ngoại trưởng Estonia Jonatan Vseviov nói.
Chính phủ Estonia và các nước vùng Baltic cho biết họ đang nỗ lực tìm cách đối phó với những rủi ro rình rập, bằng cách tăng đầu tư vào quân sự cùng các hoạt động ngoại giao, tình báo.
"Chúng tôi luôn chuẩn bị để không trở thành mục tiêu tiếp theo", thiếu tướng Ilmar Tamm, chỉ huy Lực lượng Phòng vệ Estonia, tổ chức bán quân sự sẽ bổ sung nguồn lực cho quân đội chính quy trong trường hợp có chiến tranh, nói. "Đó không chỉ nhằm đối phó với Nga, mà còn là chuẩn bị tất cả những gì chúng tôi cần".
Estonia, nơi sinh sống của khoảng 1,4 triệu người, không được xem là đối thủ xứng tầm của Nga. "Nếu xung đột nổ ra, nó sẽ không giống như Ukraine vì chúng tôi chỉ là quốc gia nhỏ bé. Toàn bộ dân số của chúng tôi vẫn ít hơn quân đội Nga. NATO sẽ bảo vệ chúng tôi", thị trưởng Narva Jaan Toots nói.
Bộ binh từ các nước thành viên NATO, trong đó có Mỹ, đã được triển khai tới vùng Baltic từ năm 2017 và được tăng cường sau khi xung đột Ukraine bùng phát. Tuy nhiên, lực lượng này chỉ có quân số 5.000 người, dường như quá ít để chống lại cuộc tấn công tổng lực.
Những nơi như Narva và khu vực lân cận ở miền đông Estonia nằm trong số các mục tiêu rõ ràng nhất. Ngoài ra, hành lang Suwalki giữa Ba Lan và Litva, các khu vực nói tiếng Nga ở đông Latvia cũng có thể trong tầm ngắm, theo quan chức phương Tây.
Trong phát biểu hồi tháng 6/2022, Tổng thống Putin nói rằng cả ông và Peter Đại đều thực hiện nhiệm vụ giành lại các vùng đất lịch sử của Nga. Ông Putin đặc biệt đề cập tới Narva, nơi diễn ra hai trận đánh lớn giữa Nga và Thụy Điển đầu thế kỷ 18.
Vị trí Estonia. Đồ họa: WSJ
Khả năng răn đe của liên minh NATO đang bị xói mòn vì nhiều bình luận đi ngược lại những tuyên bố chung. Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, người đang tái tranh cử năm nay, gần đây cảnh báo sẽ không bảo vệ các đồng minh NATO không đóng góp đủ ngân sách quốc phòng.
"Tôi lo ngại vì những tín hiệu không rõ ràng từ phương Tây, chúng tôi có thể khiến ông Putin nghĩ rằng Nga có thể tấn công mà không chịu hậu quả nghiêm trọng", Anton Hofreiter, người đứng đầu ủy ban các vấn đề Liên minh châu Âu tại quốc hội Đức, nói."Nếu ông ấy tấn công Narva và nói rằng nơi này giờ là một phần của Nga, được bảo vệ dưới ô hạt nhân của Nga, bạn sẽ làm gì?".
Estonia cuối tháng trước cáo buộc Nga vi phạm quy định không phận quốc tế vì gây nhiễu tín hiệu GPS, khiến hai máy bay Phần Lan tới nước này không thể hạ cánh. Hãng hàng không Phần Lan Finnair thông báo dừng tất cả chuyến bay đến Tartu, miền đông Estonia, trong một tháng do tình trạng nhiễu GPS liên tục.
"Các cuộc tấn công mạng có thể là một phần công cụ ngoại giao của Điện Kremlin. Họ muốn gửi tín hiệu mạnh mẽ rằng có thể khiến các nước phương Tây không thể đảm bảo an toàn và an ninh cho người dân", Gert Auvaart, giám đốc Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Estonia, cho hay.
Cơ quan tình báo nội địa Estonia hồi tháng 2 nói đã bắt 10 người do Moskva tuyển mộ để gây bất ổn ở nước này, gồm các cuộc tấn công xe chở Bộ trưởng Nội vụ và nhà báo, song không cung cấp thêm thông tin.
"Họ đang thực hiện các bước tiếp theo, không chỉ là tấn công mạng mà còn là những cuộc tấn công bạo lực trên thực tế", Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur nói.
Tuy nhiên, ông Pevkur ước tính sau chiến sự Ukraine, Nga có thể mất 2-3 năm để tái xây dựng lực lượng đủ sức thách thức NATO. Do đó, khi xung đột Ukraine chưa chấm dứt, ông cho rằng Nga khó có thể mở mặt trận thứ hai.
"Điều đó sẽ làm thảm họa đối với ông ấy", Pevkur nói, đề cập tới Tổng thống Putin.
Sau hơn 3 thập kỷ độc lập, công dân Estonia chiếm chưa tới 1/2 dân số Narva, số còn lại chủ yếu sử dụng tiếng Nga. Dù việc công khai thể hiện chủ nghĩa dân tộc Nga như treo ruy băng huân chương thánh St. Georgia với hai màu đen trắng hoặc ủng hộ cuộc chiến ở Ukraine là bất hợp pháp ở Estonia, nhiều người dân ở thành phố này rõ ràng vẫn ủng hộ ông Putin.
"Narva giống như một đất nước tồn tại trong một nước khác, dù ít người sẵn sàng thừa nhận điều đó", Maria Smorzhevskihh-Smirnova, giám đốc Bảo tàng Narva, nói.
Người dân ở Narva, Estonia theo dõi người Nga tổ chức kỷ niệm Ngày Chiến thắng bên kia sông biên giới ngày 9/5/2023. Ảnh: Reuters
Hầu như không có ai là cư dân Estonia gốc ở Narva trở lại thành phố này sau Thế chiến II và một thành phố mới với các khu chung cư được những người định cư từ Nga dựng lên thay thế.
"Khi Estonia bắt đầu tuyên bố độc lập, nhiều người ở Narva cảm thấy khác biệt. Người Nga luôn sống ở đây, tại sao họ phải học tiếng Estonia. Biên giới Nga cũng ngay cạnh và luôn mở cửa, tại sao chúng tôi phải bận tâm", Smorzhevskihh-Smirnova nói.
Nadezhda Shibello, 60 tuổi, từ Siberia di cư đến Narva khi bà mới 20 và hiện còn nhiều người thân ở Nga. Bà nói bản thân rất lo lắng về nguy cơ xảy ra chiến tranh.
"Nhiều người cứ nói rằng lực lượng Nga sẽ đến đây. Tôi không nghĩ vậy, nhưng nếu có điều gì đó xảy ra, nếu phía Estonia có hành động khiêu khích, tất nhiên ông Putin sẽ không im lặng và sẽ có lời đáp trả. Thành thật mà nói, tôi thấy rất lo lắng. Estonia quá nhỏ bé và một tiếng nổ cũng đủ khiến tất cả biến mất", bà nói.
Thanh Tâm (Theo WSJ, AFP, Reuters)
Nguồn: VNEXPRESS.NET