Vùng biển Cape Cod được chọn cho thí nghiệm đổ hóa chất. Ảnh: National Geographic
Nhóm nhà khoa học đến từ Viện Hải dương học Woods Hole tại Falmouth đang xin giấy phép để tiến hành dự án đổ 30.000 lít hóa chất ở cách đảo Martha's Vineyard khoảng 16 km về phía nam, dự kiến bắt đầu vào mùa hè năm nay, theo Phys.org. Dự án mang tên LOC-NESS của Viện Woods Hole tập trung vào hai mục đích chính.
Mục đích đầu tiên là tìm hiểu tác động tiềm ẩn tới môi trường khi tăng cường độ kiềm của nước biển để loại bỏ carbon dioxide (CO2) trong khí quyển. Mục đích còn lại là kiểm nghiệm và báo cáo lượng CO2 có thể bị loại bỏ theo phương pháp này nếu triển khai ở quy mô lớn.
"Dù cắt giảm khí thải đóng vai trò chủ chốt nhằm giảm thiểu tác động của con người tới khí hậu Trái Đất, trong những năm gần đây, rõ ràng việc cắt giảm khí thải cần được hỗ trợ bằng cách loại bỏ carbon dioxide trong không khí", nhóm nhà khoa học ở Woods Hole cho biết.
Các nhà môi trường học và ngư dân không ủng hộ thí nghiệm dự kiến tiếp tục vào mùa hè năm sau ở quy mô lớn hơn nhiều với khoảng 272.765 lít hóa chất xuống vùng biển phía đông bắc Provincetown ở vịnh Maine.
Friends of the Earth là một trong hàng chục tổ chức viết thư cho Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ nhằm phản đối dự án. Họ nhấn mạnh tăng cường độ kiềm đại dương, quá trình thêm hợp chất kiềm vào nước biển nhằm thay đổi độ Ph và khả năng hấp thụ carbon tự nhiên của đại dương không phù hợp với Công ước về Đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc do rủi ro và tính không chắc chắn của công nghệ này đối với đa dạng sinh học và hệ sinh thái.
Theo nhà vận động Benjamin Day của tổ chức Friends of the Earth, sodium hydroxide là hợp chất cực kỳ nguy hiểm. Nó gây ra bỏng hóa chất nếu tiếp xúc với da người hoặc động vật biển. Hoạt động tăng độ kiềm thường sử dụng khoáng chất như đá vôi và tạo ra một loạt vấn đề khác. Tuy nhiên, sodium hydroxide đặt ra nhiều vấn đề tức thời hơn. Những ngư dân trong vùng cũng lo sợ thí nghiệm có thể ảnh hưởng tới sản lượng đánh bắt của họ.
Các nhà khoa học Woods Hole cho biết dự án sẽ hoạt động trong dải pH an toàn đối với sinh vật sống dưới nước và tuân thủ quy định nghiêm ngặt về theo dõi môi trường. Họ sẽ thường xuyên theo dõi độ kiềm, sử dụng bộ dụng cụ chuyên dụng, cảm biến và thiết bị lấy mẫu. Kết quả sẽ cung cấp dữ liệu đo đầu tiên trong nước về độ an toàn của phương pháp, bao gồm tác động tới thành phần hóa chất trong nước, mạng lưới thức ăn ở biển và sinh vật lớn. Theo Alison Brizius, giám đốc Cơ quan quản lý vùng ven biển Massachusetts, dự án này rất cần thiết nhằm hiểu rõ tác động của việc loại bỏ carbon dioxide bằng nước biển.
An Khang (Theo Phys.org)
Nguồn: VNEXPRESS.NET