Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine của Nga đã gây ra những tác động không nhỏ đến nền kinh tế Nga nói chung và ngành dầu khí nói riêng. Cho đến năm 2023, Gazprom vẫn là công ty khí đốt tự nhiên niêm yết công khai lớn nhất thế giới, nhưng trong tháng 5/2024, công ty này đã ghi nhận khoản lỗ đầu tiên trong quý I. Ảnh Financial Times
Chưa dừng lại ở đó, báo cáo thường niên của Gazprom công bố hôm 10/6 cho biết họ đã cắt giảm 13% sản lượng khí đốt tự nhiên xuống mức thấp nhất mọi thời đại, xuống còn 359 tỷ mét khối (bcm). Con số này giảm so với 412,94 bcm của năm trước và thấp hơn một phần ba so với mức 515 bcm trong năm 2021, thời điểm trước khi xung đột nổ ra. Ảnh Al Jazeera
Hãng Reuters nhấn mạnh rằng, số liệu sản xuất khí đốt của Gazprom hiện thấp nhất kể từ khi công ty này được Bộ Công nghiệp Khí đốt thành lập vào năm 1989, dưới thời Liên Xô cũ.
Các nước phương Tây liên tục cáo buộc Moskva sử dụng việc xuất khẩu năng lượng như một thứ vũ khí để đáp trả các nước Châu Âu. Cụ thể, Gazprom đã hạn chế chuyển dòng năng lượng tới thị trường châu Âu nhằm gây áp lực cho các đồng minh của Kiev và trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ảnh Financial Times
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng điều này đã phản tác dụng khi châu Âu tìm được nguồn nhập khẩu khí đốt dài hạn thay thế. Na Uy đã vượt qua Nga để trở thành nhà cung cấp khí đốt qua đường ống hàng đầu của lục địa, trong khi lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) được mua từ Mỹ và một số quốc gia khác cũng tăng lên đáng kể. Ảnh: OG.
Tháng 5/2024, Tập đoàn Gazprom, bao gồm cả các doanh nghiệp dầu và điện, đã công bố khoản lỗ ròng trong năm 2023 là 629 tỷ rúp (khoảng 7 tỷ USD), khoản lỗ đầu tiên sau 25 năm của công ty.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã tăng cường đáng kể hoạt động thương mại với Nga trong hai năm qua. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán được cho là đã bị đình trệ do hai bên chưa thỏa thuận được về mức giá. Nếu Trung Quốc và Nga đạt được thỏa thuận thì Trung Quốc sẽ mua được khí đốt giá rẻ thông qua đường ống “Sức mạnh Siberia 2” và Nga sẽ bù đắp được những tổn thất từ thị trường châu Âu.
Vladimir Milov, cựu Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga, nói với Newsweek rằng: “Các chính phủ châu Âu về cơ bản đã khẳng định sẽ không quay trở lại và họ đã thực hiện các bước đi có chủ ý nhất định để chuyển sang các nhà cung cấp năng lượng thay thế”.
Ông Milov cho biết thêm rằng, việc mất đi thị trường châu Âu (thị trường sinh lời nhất) của Gazprom đã ảnh hưởng một phần đến nguồn tài chính cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Tuy nhiên, Nga vẫn có thể bảo đảm nguồn tài chính cho những hoạt động quân sự nhờ các ngành công nghiệp khác như ngành dầu mỏ. Dầu mỏ vẫn là nguồn chính và đang hoạt động tốt hơn nhiều, vẫn đang tạo ra lợi nhuận và thuế cho ngân sách.
Bloomberg đưa tin, một số quốc gia châu Âu khác vẫn đang tìm cách duy trì nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống Nga - Ukraine khi hợp đồng với Gazprom sắp hết hạn.
Slovakia và Áo nằm trong số các quốc gia châu Âu vẫn phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga thông qua đường ống đi qua Ukraine, nhưng nguồn cung tiếp tục không chắc chắn khi thỏa thuận vận chuyển kết thúc vào cuối năm 2024.
Ukraine đã từ chối gia hạn thỏa thuận, nhưng Bloomberg cho biết một lựa chọn đang được xem xét là các công ty châu Âu mua và bơm khí đốt từ Azerbaijan vào các đường ống của Nga hướng tới châu Âu.