Các điều khoản trong thỏa thuận vay của Trung Quốc nêu rõ “con nợ”, trong trường hợp này là những nước đang phát triển, phải ưu tiên trả nợ cho Trung Quốc trước các chủ nợ khác, kèm theo yêu cầu phải giữ bí mật khoản vay.  

42 1 He Lo Bi An Sau Nhung Khoan Cho Vay Rong Rai Cua Trung Quoc

 42 2 He Lo Bi An Sau Nhung Khoan Cho Vay Rong Rai Cua Trung Quoc

Sri Lanka từng phải tạm ngừng dự án Cảng Container Nước sâu hợp tác với Ấn Độ-Nhật Bản vì lo ngại “chọc giận” chủ nợ Trung Quốc. REUTERS.

Đó là kết luận rút ra từ cơ sở dữ liệu do AidData, phòng nghiên cứu thuộc Đại học William & Mary (bang Virginia, Mỹ), tổng hợp trong 3 năm, dựa trên 100 hợp đồng cho vay của Trung Quốc với 24 quốc gia ít phát triển và thuộc nhóm thu nhập trung bình.

Trong số các con nợ của Trung Quốc có những cái tên đang chật vật trước áp lực trả nợ vì kinh tế xuống dốc do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 65% trên tổng giá trị nợ vay song phương chính thức lên đến nhiều tỉ USD trải khắp châu Phi, Đông Âu, Mỹ La tinh và châu Á.

“Đến nay, chúng ta vẫn chưa biết được những số liệu cơ bản nhất về các điều khoản và điều kiện cho vay liên quan đến Trung Quốc”, Hãng tin Reuters dẫn lời các tác giả báo cáo, trong đó có bà Anna Gelpern, giáo sư luật của Đại học Georgetown (Mỹ).

Các nhà nghiên cứu AidData, Viện Kiel của Đức, Viện Peterson về Kinh tế học Quốc tế và Trung tâm Phát triển Toàn cầu (trụ sở tại Washington D.C), đã so sánh các thỏa thuận cho vay của Trung Quốc với các chủ nợ lớn khác của thế giới nhằm đưa ra đánh giá có hệ thống đầu tiên về những điều khoản cho vay nợ nước ngoài của Bắc Kinh.

Kết quả phân tích đã phát hiện những đặc điểm bất thường trong các thỏa thuận, chẳng hạn như buộc nước đi vay phải giữ bí mật về các điều khoản cho vay; các thỏa thuận về tài sản thế chấp mang đến lợi ích cho Trung Quốc so với các chủ nợ khác và không được bao gồm khoản nợ này trong quá trình tái cấu trúc tập thể.

Đồng tác giả báo cáo, nhà nghiên cứu kỳ cựu Scott Morris của Trung tâm Phát triển Toàn cầu nhận định rằng những phát hiện trên đã đặt ra những câu hỏi về vai trò của Trung Quốc trong nhóm G20, vốn thống nhất về cơ chế chung nhằm hỗ trợ các quốc gia đang phát triển đối phó áp lực tài chính từ dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, đa số hợp đồng cho vay của Trung Quốc đều ngăn cản các quốc gia tái cấu trúc các khoản nợ dựa trên các điều khoản cân bằng và phối hợp các chủ nợ khác.

Thụy Miên

Nguồn: thanhnien.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC