Theo Hãng tin Reuters, ngày 30-7, nhóm Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) - đảng phái chính trị chiếm nhiều ghế nhất Nghị viện châu Âu - gửi thư cảnh báo đến Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel về nguy cơ an ninh liên quan đến Hungary.
Lo Hungary thành "trạm chuyển" gián điệp Nga
Cụ thể, Budapest vừa ra quyết định mở rộng chương trình nhập cư "thẻ quốc gia" cho công dân nhiều nước, trong đó có Nga và Belarus.
Những người sở hữu tấm thẻ trên được quyền làm việc tại Hungary mà không cần kiểm tra an ninh, đồng nghĩa với việc dễ dàng xin thị thực hơn. Người được cấp thẻ còn có thể đưa gia đình đến sinh sống tại Hungary. Thẻ này có thời hạn hai năm và có thể được gia hạn.
Ông Manfred Weber - chủ tịch EPP - cho rằng chính sách trên có thể "tạo khoảng trống nguy hiểm trong luật liên quan đến các hoạt động gián điệp, tạo ra rủi ro nghiêm trọng với an ninh quốc gia".
Ông Weber nêu lo ngại trong lá thư trên: "Chính sách này có thể giúp người Nga di chuyển dễ dàng trong khu vực Schengen, vượt qua các giới hạn được pháp luật Liên minh châu Âu (EU) quy định".
Khu vực Schengen là khu vực gồm gần 30 quốc gia châu Âu, hầu hết là thành viên EU, đã đồng ý thiết lập biên giới chung.
Người dân khu vực Schengen có quyền đi lại tự do giữa các nước trong khu vực mà không cần hộ chiếu hay kiểm tra tại biên giới. Du khách từ ngoài khu vực khi xin được thị thực của một nước Schengen cũng được phép tự do đi đến các nước Schengen khác.
Việc Hungary mở rộng chính sách "thẻ quốc gia" dấy lên lo ngại người Nga và Belarus sẽ dễ dàng tiếp cận thị thực Schengen thông qua nước này. EU sợ từ đó, Hungary có thể trở thành "trạm trung chuyển" gián điệp Nga tự do đi lại trong khối.
Hungary trấn an
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto - Ảnh: AFP
Trước nghi ngại trên, một người phát ngôn Ủy ban châu Âu đã khẳng định sẽ liên hệ với Budapest để làm rõ về quy định mới trên, đồng thời nhắc nhở Hungary phải đảm bảo nó tuân thủ quy định của Schengen.
Khuya 30-7 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto đăng bài trên Facebook khẳng định "Công dân Nga và Belarus vẫn cần thị thực để được vào Hungary cũng như khu vực Schengen".
Ông Szijjarto cũng nhấn mạnh việc cư trú cho người dân hai nước này cũng cần được cấp phép bởi cơ quan có thẩm quyền.
Hiện ông Michel chưa phản hồi với lá thư trên. Tuy nhiên, bản thân lá thư đã cho thấy rõ sự rạn nứt giữa các cơ quan EU và Hungary - nước đang nắm vai trò chủ tịch luân phiên EU.
Khác với các nước EU khác, Hungary duy trì quan hệ tương đối nồng ấm với Nga, thường xuyên chỉ trích việc hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Matxcơva.
Ngay sau khi nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của Hungary bắt đầu, thủ tướng nước này, ông Viktor Orban, đã chủ động công du đến Nga, Trung Quốc, Ukraine để tìm giải pháp hòa bình cho cuộc chiến lớn nhất ở châu Âu hậu Thế chiến 2.
Những chuyến đi trên chưa có sự tham vấn của EU và đã bị các quan chức khối này chỉ trích kịch liệt.
NGỌC ĐỨC
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online