Quầy rau củ tại một khu chợ truyền thống ở thủ đô Jakarta, Indonesia hồi tháng 9-2020 - Ảnh: REUTERS
Hãng tin Reuters dẫn dữ liệu mới nhất công bố ngày 5-11 cho biết Indonesia đã rơi vào suy thoái kinh tế lần đầu tiên trong hơn 20 năm khi đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng tới hoạt động kinh doanh và tiêu dùng ở quốc gia có nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này, khiến hàng triệu việc làm bị mất.
Cụ thể, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Indonesia đã giảm 3,49% trong quý 3 năm nay so với cùng kỳ năm 2019. Mức giảm này lớn hơn so với dự báo của các chuyên gia kinh tế. Trước đó, mức giảm trong quý 2 là 5,32%.
Nhà chức trách Indonesia dự báo khoảng 3,5 triệu người ở nước này mất việc làm trong năm nay.
Tuy nhiên, chính phủ nước này kỳ vọng suy thoái kinh tế chỉ diễn ra trong ngắn ngủi. Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati của Indonesia nói rằng "điều tồi tệ nhất đã qua đi" đối với nền kinh tế xứ vạn đảo, với tình hình phục hồi được ghi nhận trong cả đầu tư và tiêu dùng.
Người đứng đầu Cục Thống kê trung ương Indonesia Suhariyanto cho biết dù rơi vào suy thoái trong hơn 20 năm, nền kinh tế nước này đã cho thấy bước cải thiện trong quý 3 so với quý 2 ở mọi lĩnh vực.
"Sự phục hồi sẽ tiếp tục diễn ra trong các tháng tới, nhưng có thể chậm chạp và thất thường" - ông Gareth Leather, nhà kinh tế học chuyên về châu Á tại công ty nghiên cứu Capital Economics, đánh giá.
Ông nói thêm: "Mặc dù Indonesia chưa thể kiểm soát được dịch COVID-19, số ca mắc mới dường như đang giảm đi. Điều này sẽ cho phép nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội".
Tổng thống Joko Widodo của Indonesia đã yêu cầu các bộ trưởng nước này tăng chi tiêu ngân sách từ đây đến cuối năm 2020. Gần đây ông Widodo đã ký thông qua một luật mới nhằm thu hút đầu tư và tạo công ăn việc làm, nhưng luật này đã gây nhiều tranh cãi và đang bị thách thức tại Tòa án Hiến pháp.
Theo Hãng tin Bloomberg, Bộ trưởng Kế hoạch phát triển quốc gia Suharso Monoarfa của Indonesia hi vọng mức tăng trưởng GDP trong quý cuối cùng sẽ từ giảm 1,6% tới tăng 0,6%. "Hi vọng năm nay sẽ khép lại với mức tăng trưởng khoảng 0 hoặc trên 0" - ông nói.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online