Tờ Kommersant của Nga hôm 3/5 công bố kết quả khám nghiệm chất nổ, một trong những tài liệu quan trọng nhất trong cuộc điều tra vụ đánh bom cầu Crimea ngày 8/10/2022 do Ủy ban Điều tra Liên bang Nga tiến hành. Đây là lần đầu tiên xuất hiện thông tin về loại chất nổ được dùng trong vụ đánh bom và phương pháp kích hoạt nó.
"Nhóm đánh bom đã dùng các vật liệu được sản xuất công nghiệp để chế tạo các khối chất nổ có tổng sức mạnh tương đương 10 tấn thuốc nổ TNT. Liều nổ chính sử dụng nhiêu liệu rắn dành cho tên lửa, bên trong có chứa kali hoặc natri perchlorat, kèm theo một số hạt kim loại mịn", báo cáo có đoạn.
Các khối nổ được bọc kín bằng lớp màng polyethylene dày 0,1 mm, có tác dụng bảo vệ vật liệu bên trong và ngụy trang nó khỏi các biện pháp khám xét thông thường. "Giai đoạn chế bom diễn ra trên lãnh thổ Ukraine trước tháng 8/2022", các điều tra viên Nga nhận định.
Quá trình vận chuyển bắt đầu vào tháng 8/2022, khi những khối chất nổ có tổng khối lượng 22,7 tấn được chuyển khỏi thành phố Odessa của Ukraine và đi qua các thành phố tại Bulgaria, Gruzia và Armenia với giấy tờ thông quan giả để che giấu tung tích.
Khối hàng được chuyển qua biên giới Gruzia - Nga vào ngày 4/10/2022 và tập kết tại nhà kho ở vùng Krasnodar sau đó hai ngày, trước khi được đặt lên xe rơ mooc do công dân Nga Makhir Yusubov điều khiển. Các nhà điều tra kết luận Yusubov không biết về kế hoạch tấn công cầu Crimea.
Giấy tờ cho thấy chuyến hàng dự kiến chuyển đến một công ty ma có địa chỉ đăng ký ở thành phố Simferopol trên bán đảo Crimea.
Khói đen bao trùm đoạn cầu Crimea sau vụ đánh bom ngày 8/10/2022. Ảnh: AFP
"Ngòi nổ của quả bom sử dụng chất nổ gốc hexogen do nước ngoài chế tạo, nhiều khả năng là C4 hoặc PE8. Nó được kích hoạt rạng sáng 8/10/2022 bằng tín hiệu định vị vệ tinh GPS, ngay khi xe chở hàng đi qua điểm định trước trên hành trình, cụ thể là km số 156 trên tuyến cao tốc liên bang A290 nối Novorossiysk với thị trấn Kerch", báo cáo có đoạn.
Các nhà điều tra Nga cho rằng người phụ trách vụ tấn công là giám đốc Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) Vasyl Maliuk, người được Tổng thống Volodymyr Zelensky bổ nhiệm làm phó giám đốc SBU hồi tháng 3/2022 và được giao nhiệm vụ lên kế hoạch tấn công cầu Crimea.
Giới chức Ukraine chưa bình luận về thông tin.
Vị trí cầu Crimea và nơi xảy ra vụ nổ hôm 8/10/2022. Đồ họa: Guardian
Cầu Crimea dài khoảng 19 km, là cầu dài nhất ở châu Âu và có tổng giá trị lên tới 3,7 tỷ USD. Đây được xem là biểu tượng về năng lực thực hiện các đại dự án cơ sở hạ tầng của Moskva, cũng như giấc mơ khôi phục ảnh hưởng và sức mạnh của nước Nga.
Cầu Crimea cũng đóng vai trò như biểu tượng cho bản sắc và quyền lực của Nga tại bán đảo cùng tên, nơi sinh sống của khoảng 2 triệu người. Cây cầu còn là "chốt chặn" quan trọng nằm giữa Biển Đen và biển Azov, nơi Nga coi như vùng biển thuộc vùng ảnh hưởng của mình, bất chấp nỗ lực phản đối của Ukraine.
Ukraine đã hai lần tiến hành tập kích cầu Crimea, nhưng chỉ phá hủy được một làn đường và Nga nhanh chóng khắc phục để nối lại lưu thông sau đó. Các quan chức tình báo quốc phòng Ukraine hôm 3/4 thông báo đang lên kế hoạch tấn công lần ba và tuyên bố đánh sập cầu Crimea là "điều không thể tránh khỏi".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zarakhova hôm 3/5 tuyên bố Moskva sẽ tiến hành "đòn đáp trả tàn khốc" nếu Kiev tiếp tục tập kích cầu Crimea.
Vũ Anh (Theo Kommersant)
Nguồn: VNEXPRESS.NET