Colombia tuyên bố cắt quan hệ với Israel vì chiến sự tại Dải Gaza, song quyết định có thể khiến không quân nước này tê liệt.

Tổng thống Colombia Gustavo Petro ngày 1/5 chỉ trích chiến dịch quân sự của Israel ở Dải Gaza là "hành vi diệt chủng" và thông báo chấm dứt quan hệ với nước này từ ngày 2/5.

Tuy nhiên, ông Petro không đề cập tới việc quyết định này có thể ảnh hưởng ra sao tới quân đội Colombia, vốn sử dụng tiêm kích và súng máy của Israel để chống các băng đảng ma túy và phiến quân.

Colombia và Israel ký hàng chục thỏa thuận trên nhiều lĩnh vực từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1957, trong đó có giáo dục, thương mại và quốc phòng. Các hợp đồng quân sự là những thứ gắn kết chặt chẽ nhất giữa hai quốc gia.

Toàn bộ tiêm kích trong biên chế của không quân Colombia đều do Israel chế tạo. Quân chủng này vận hành khoảng 20 tiêm kích đa năng IAI Kfir, từng dùng chúng để tập kích doanh trại Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia và buộc nhóm tham gia đàm phán dẫn đến giải giáp vũ khí vào năm 2016.

1 Khong Quan Colombia Co The Te Liet Vi Cat Quan He Voi Israel

Tiêm kích Kfir của không quân Colombia tại căn cứ ở Puerto Salgar, Cundinamarca tháng 7/2020. Ảnh: AFP

Colombia mua tiêm kích Kfir từ cuối những năm 1980. Phi đội Kfir của không quân Colombia đã cũ và cần bảo trì, song chỉ duy nhất công ty Israel có thể làm điều này.

Một số công ty quốc phòng Pháp, Thụy Điển và Mỹ đã tiếp cận chính phủ Colombia để đưa ra phương án thay thế, song chính quyền Tổng thống Petro không lựa chọn giải pháp này.

Israel phát triển tiêm kích đa năng Kfir từ những năm 1970 trên cơ sở mẫu Mirage 5 của Pháp, biên chế năm 1975 và loại biên từ giữa những năm 1990. Ngoài Colombia, hiện chỉ có Sri Lanka và một công ty quốc phòng Mỹ vận hành mẫu tiêm kích này.

Kfir có thể đạt tốc độ tối đa 2.440 km/h, có trần bay 17.600 m, bán kính chiến đấu 670-1.000 km tùy vào nhiệm vụ. Tiêm kích được trang bị hai pháo 30 mm, giá treo vũ khí có thể lắp rocket, tên lửa không đối không hoặc bom.

Quân đội Colombia còn sử dụng súng trường Galil do Israel phát triển. Colombia được quyền sản xuất và bán loại súng này. Israel còn hỗ trợ Colombia trong lĩnh vực an ninh mạng.

Một ngày trước khi Tổng thống Petro công bố quyết định cắt quan hệ với Israel, Bộ trưởng Quốc phòng Colombia Ivan Velasquez nói nước này sẽ không ký thêm hợp đồng mới với Tel Aviv, mà chỉ duy trì các hợp đồng cũ về bảo trì tiêm kích Kfir và thỏa thuận liên quan đến hệ thống tên lửa.

Quyết định cắt quan hệ ngoại giao nếu được thực hiện đầy đủ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hợp đồng quân sự này, có thể khiến lực lượng không quân Colombia tê liệt vì không thể bảo trì, sửa chữa chiến đấu cơ.

Bộ trưởng Velasquez cho biết Colombia đã thành lập ủy ban chuyển tiếp nhằm đa dạng hóa nguồn cung vũ khí và vật tư quốc phòng nhằm tránh phụ thuộc vào Israel. Một trong các phương án đang được xem xét là ngành công nghiệp quốc phòng Colombia phát triển súng trường thay thế mẫu Galil của Israel.

2 Khong Quan Colombia Co The Te Liet Vi Cat Quan He Voi Israel

Binh sĩ Colombia tại Cucuta tháng 10/2021. Ảnh: Reuters

Hợp tác quốc phòng trở thành tâm điểm trong căng thẳng giữa hai nước. Israel tháng 10/2023 thông báo ngừng xuất khẩu sản phẩm quốc phòng sang Colombia, sau khi chính quyền Tổng thống Petro từ chối lên án vụ tấn công của Hamas và chỉ trích chiến dịch đáp trả của Israel ở Dải Gaza. Ông Petro hồi tháng 2 tuyên bố chấm dứt mua vũ khí từ Israel.

Cựu đại tướng Guillermo Leon, từng làm tư lệnh không quân Colombia, cảnh báo năng lực quân sự của nước này sẽ bị ảnh hưởng nếu chính quyền Tổng thống Petro phá vỡ hợp đồng đang có hoặc từ chối ký mới.

"Tới cuối năm nay, phụ tùng cạn kiệt và công tác bảo trì sẽ chấm dứt. Phi đội tiêm kích của chúng tôi sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng không đủ vật tư để duy trì hoạt động", ông Leon nói. "Ba tiêm kích trong số này sẽ bị loại biên năm nay do hết tuổi bay".

Nguyễn Tiến (Theo AP, ToI)

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC