Nga cho rằng, những thảo luận về việc triển khai lực lượng NATO trên lãnh thổ Ukraine chỉ nhằm gây sức ép với Nga (Ảnh minh họa: PA).
"Tôi rất hoan nghênh Pháp gửi huấn luyện viên quân sự đến Ukraine để đào tạo quân nhân Ukraine", Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi cho biết trên Telegram ngày 27/5 sau cuộc họp trực tuyến với Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu.
Ông nói thêm: "Tôi đã ký các văn bản cho phép các huấn luyện viên quân sự Pháp đầu tiên đến thăm các trung tâm đào tạo của chúng tôi trong thời gian ngắn và làm quen với cơ sở hạ tầng và nhân sự".
Ông Syrskyi không cung cấp thêm chi tiết, song cho biết ông tin rằng quyết tâm của Pháp sẽ khuyến khích các đối tác khác tham gia "dự án đầy tham vọng" này.
Bộ Quốc phòng Ukraine sau đó giải thích rõ hơn trên X rằng: "Hiện giờ, chúng tôi vẫn đang thảo luận với Pháp và các nước khác về vấn đề này".
Christelle Neant, Tổng biên tập của báo International Reporters (Pháp), cho biết Pháp có thể gửi khoảng 200 binh sĩ đến Ukraine với vai trò huấn luyện viên quân sự.
Về phía Pháp, Bộ Quốc phòng nước này cho hay: "Như đã đề cập nhiều lần, đào tạo trên đất Ukraine là một trong những dự án được thảo luận kể từ hội nghị hỗ trợ Ukraine do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron triệu tập hôm 26/2. Giống tất cả các dự án được thảo luận vào thời điểm đó, dự án này tiếp tục là chủ đề thảo luận với phía Ukraine, để hiểu rõ nhu cầu chính xác của họ".
Hồi cuối tháng 2, sau cuộc họp với lãnh đạo của khoảng 20 quốc gia, Tổng thống Pháp Macron cho biết, họ đã thảo luận kịch bản triển khai lực lượng quân sự đến Ukraine. Ông nói, mặc dù chưa đạt được đồng thuận về vấn đề này, song phương Tây không loại trừ bất cứ phương án nào.
Bất chấp ý kiến trái chiều, kể từ đó đến nay, ông Macron vẫn vài lần khẳng định lập trường này. Ông cho biết, Pháp có thể triển khai lực lượng quân sự đến Ukraine trong 2 trường hợp: Nga phá vỡ phòng tuyến của Ukraine và Kiev nhờ đến sự hỗ trợ của Paris.
Mặt khác, Tổng thống Macron cũng nhấn mạnh lại quan điểm rằng: "Châu Âu không xung đột với nước Nga và người dân Nga". Ông cho biết, châu Âu sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine lâu nhất có thể và ủng hộ những nỗ lực giải quyết hòa bình lâu dài ở Ukraine.
"Hòa bình không có nghĩa là Ukraine đầu hàng. Đó sẽ là nền hòa bình mà chính người Ukraine lựa chọn", ông nhấn mạnh.
Hồi giữa tháng này, New York Times đưa tin, một số thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bí mật thảo luận về kịch bản triển khai huấn luyện viên quân sự hoặc nhà thầu đến Ukraine để huấn luyện cho binh sĩ và hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng vũ khí.
Ông Konstantin Gavrilov, trưởng đoàn Nga tại đàm phán Vienna về an ninh quân sự và kiểm soát vũ khí, cho rằng các nước NATO không có sự thống nhất trong việc gửi quân tới Ukraine, nhưng không thể loại trừ kịch bản này.
Ông cảnh báo: "Một cuộc xung đột giữa Nga và NATO sẽ dẫn đến một thảm kịch lớn có thể ảnh hưởng đến toàn nhân loại. Brussels nên nhận ra rằng họ sẽ không thể âm thầm vượt qua ranh giới leo thang này".
Theo nhà ngoại giao này, trong bối cảnh những thất bại quân sự của Kiev và đà tiến của lực lượng Nga, các nước NATO ngày càng nhận ra rằng họ không thể gây ra một "thất bại chiến lược" cho Nga.
"Trong bối cảnh này, chúng tôi coi các cuộc thảo luận ngày càng tích cực hơn về việc NATO triển khai lực lượng trên lãnh thổ Ukraine là một nỗ lực vô ích nhằm gây áp lực lên Nga, kéo chúng tôi vào một cuộc chạy đua vũ trang để từ bỏ các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt", ông nói.
Ông cho rằng, những thảo luận về kịch bản triển khai quân của NATO đến Ukraine chỉ là "sự hù dọa".
Theo Reuters, TASS
Nguồn: Báo điện tử Dân trí