Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin - Ảnh: GETTY IMAGES
Mỹ hoãn chuyển vũ khí cho Israel vì vấn đề Rafah
Theo Hãng tin Reuters, tại phiên điều trần ở Thượng viện ngày 8-5 (giờ Mỹ), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố quyết định hoãn chuyển giao đạn dược có trọng tải lớn vì tin rằng một cuộc tấn công tiềm tàng của Israel vào TP Rafah sẽ gây nguy hiểm cho dân thường ở Dải Gaza.
Đồng thời, Washington cũng đang xem xét một số lô hàng hỗ trợ an ninh ngắn hạn tới Tel Aviv.
Nhấn mạnh rằng cam kết của Mỹ với Israel vẫn "bền chắc", nhưng ông Austin cũng bày tỏ việc Mỹ không mong có trận chiến lớn nào diễn ra ở Rafah và bất kỳ hoạt động nào của Israel cũng phải bảo vệ mạng sống cho dân thường.
"Số phận" của lô hàng bị tạm hoãn vẫn chưa được quyết định, ông nói.
Trước đó, vào hôm 7-5, một quan chức Mỹ (không nêu tên) cho biết Washington đã tạm dừng vận chuyển lô hàng gồm 1.800 quả bom nặng 900kg, 1.700 quả bom nặng hơn 200kg.
Ông Austin là quan chức Mỹ cấp cao đầu tiên công khai giải thích về sự thay đổi có thể xảy ra trong chính sách của nước này về việc vũ trang cho Israel.
Hamas nói không thỏa hiệp hơn với Israel
Các cuộc đàm phán ngừng bắn vẫn tiếp tục diễn ra ở Cairo, Ai Cập với sự tham gia của Hamas, Israel và các trung gian hòa giải gồm Mỹ, Ai Cập và Qatar.
Vào cuối ngày 8-5, một quan chức Hamas có tên Izzat El-Reshiq tuyên bố nhóm này sẽ không thỏa hiệp hơn so với đề xuất mà họ đã chấp thuận vào đầu tuần.
"Israel không nghiêm túc trong việc đạt được thỏa thuận và họ đang sử dụng cuộc đàm phán như một vỏ bọc để chiếm Rafah và chiếm đóng cửa khẩu", ông này nhấn mạnh.
Trước đó, Israel đã tuyên bố không thể chấp nhận đề xuất 3 giai đoạn đã được Hamas đồng ý, vì các điều khoản đã bị giảm bớt.
Dù vậy, Washington vẫn tin tưởng sẽ đạt được thỏa thuận và hai bên Hamas, Israel không có quá nhiều khác biệt.
Ông Kim Jong Un chúc mừng Nga nhân Ngày Chiến thắng 9-5
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã bày tỏ sự ủng hộ và tình đoàn kết vững chắc đối với Nga trong thông điệp gửi tới Tổng thống Nga Vladimir Putin nhân Ngày Chiến thắng.
"Tôi bày tỏ sự ủng hộ và đoàn kết vững chắc với sự nghiệp thiêng liêng của nước Nga. Mong rằng ông (Putin) và quân đội cùng nhân dân Nga dũng cảm sẽ giành được thắng lợi mới nhất trong cuộc đấu tranh đánh bại chính sách bá chủ của chủ nghĩa đế quốc", Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn điện mừng của ông Kim.
Các chiến sĩ hải quân Nga tham gia buổi tổng duyệt binh nhân Ngày Chiến thắng ở quảng trường Đỏ sáng 5-5 - Ảnh: REUTERS
Ngày hôm nay (9-5) kỷ niệm 79 năm Ngày Chiến thắng của Liên Xô trước Đức Quốc xã trong Thế chiến 2.
Tại Matxcơva, lễ kỷ niệm sẽ mở đầu bằng cuộc duyệt binh trên quảng trường Đỏ vào lúc 10h (tức 14h cùng ngày tại Việt Nam). Dự kiến lãnh đạo các nước Belarus, Kazakhstan, Tajikistan, Lào, Cuba sẽ tham dự lễ duyệt binh.
EU nhất trí dùng lợi nhuận từ tài sản phong tỏa của Nga giúp Ukraine
Chính phủ Bỉ cho biết đại sứ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) ngày 8-5 đã đồng ý sử dụng khoản lợi nhuận bất ngờ từ tài sản bị đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga ở EU nhằm hỗ trợ Ukraine.
Bốn nguồn tin ngoại giao của Reuters cho biết 90% số tiền thu được sẽ chuyển vào quỹ hỗ trợ quân sự cho Ukraine, 10% còn lại sẽ hỗ trợ Ukraine theo các phương án khác nhau.
Tuy nhiên các nước EU vẫn cần phê duyệt văn bản pháp lý cho vấn đề này.
Khoảng 300 tỉ USD tài sản của Nga đang bị "đóng băng" ở phương Tây, do Mỹ và các đồng minh đã áp lệnh cấm giao dịch với Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính Nga, sau khi Matxcơva tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine vào tháng 2-2022.
EU ước tính lợi nhuận bất ngờ từ khối tài sản này tại EU sẽ đạt 16-21 tỉ euro vào năm 2027.
Nga đã nhiều lần cảnh báo sẽ "đáp trả tương xứng" nếu phương Tây tịch thu tài sản của nước này.
Trung Quốc, Serbia xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai
Trung Quốc và Serbia ngày 8-5 đã nhất trí xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai" trong chuyến thăm của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình.
"Ngày hôm nay, chúng ta đang viết nên lịch sử", Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic chia sẻ với những người chào đón ông Tập trước dinh tổng thống.
Hai nước đã ký 29 thỏa thuận thúc đẩy hợp tác pháp lý và kinh tế. Vào ngày 1-7, thỏa thuận thương mại tự do được hai bên ký vào cuối năm ngoái sẽ chính thức có hiệu lực.
Kể từ năm 2020, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở Serbia với các khoản đầu tư đã tăng gấp 30 lần trong thập niên qua. Thỏa thuận thương mại tự do sẽ đảm bảo xuất khẩu miễn thuế đối với 95% sản phẩm của Serbia sang Trung Quốc trong vòng 5-10 năm tới, ông Vucic cho biết.
Ông Tập cho biết Trung Quốc sẵn sàng nhập khẩu thêm nông sản chất lượng cao từ Serbia và hoan nghênh nhiều chuyến bay thẳng giữa Belgrade và các thành phố của Trung Quốc.
"Serbia đã trở thành đối tác chiến lược đầu tiên của Trung Quốc ở Trung và Đông Âu cách đây 8 năm, là quốc gia châu Âu đầu tiên mà chúng tôi sẽ xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai", ông nói.
Vào cuối ngày, ông Tập Cận Bình tiếp tục di chuyển đến Hungary trong khuôn khổ chuyến công du đầu tiên đến châu Âu sau 5 năm.
Anh từ chối tham gia hiệp ước vắc xin toàn cầu
Báo Telegraph ngày 8-5 cho biết Anh đã từ chối ký hiệp định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liên quan đến đại dịch COVID-19.
Nước này nhấn mạnh chỉ đồng ý với một hiệp định có tính ràng buộc về mặt pháp lý nếu có cam kết rằng vắc xin do Anh sản xuất "sẽ được sử dụng cho những gì mà nước này xem là lợi ích quốc gia của mình".
Hiệp ước mới và một loạt cập nhật về các quy tắc hiện hành để đối phó với đại dịch của WHO có mục đích củng cố khả năng phòng vệ của thế giới chống lại các mầm bệnh mới sau đại dịch COVID-19.
Ngọn lửa Olympic đến Pháp
Thuyền buồm Belem đang mang ngọn đuốc Olympic đến Marseille, Pháp từ Hy Lạp ngày 8-5 - Ảnh: GUARDIAN
THANH HIỀN
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online