Nhưng 4 năm qua, thế giới cũng chứng kiến nhiều lần “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa hai nhà lãnh đạo.
Một thuở “trăng mật”
Dù hơn kém nhau đến hơn 30 tuổi, dù có nhiều khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, khát vọng, quan điểm chính trị … hai nhà lãnh đạo trong nhiều tháng đầu nhiệm kỳ đã không bỏ lỡ cơ hội thể hiện họ là “những người bạn tốt nhất thế giới”. Điện Elysée, cũng như các cố vấn của tổng thống Mỹ, thường xuyên nhắc đến “mối quan hệ cá nhân”, “quan hệ thân thiết” của hai nguyên thủ. Theo những người thân cận của Macron và Trump, hai ông thường xuyên nói chuyện điện thoại với nhau, thậm chí là hàng tuần, và ông Trump cũng thường trao đổi với Macron về các đề tài quốc tế.
Truyền thông Pháp hài hước nói hai ông không chỉ có “tuần trăng mật” mà là “nhiều tháng trăng mật” cho dù “không có hôn thú”. “Điểm nhấn” đầu tiên chính là chuyến công du Pháp của nguyên thủ Mỹ Donald Trump theo lời mời của tổng thống Emmanuel Macron. Chỉ hai tháng sau khi trở thành nhân vật quyền lực nhất đất nước hình lục lăng, Macron đã “trải thảm đỏ” đón tiếp đồng nhiệm Mỹ, “vị khách mời danh dự” tại lễ duyệt binh hoành tráng nhân Quốc Khánh Pháp 14/07/2017.
“Tấm thịnh tình” của tân tổng thống Pháp đương nhiên được ông Trump đánh giá cao. Và sau đó, tràn ngập trên truyền thông là hình ảnh hai vị tổng thống tay bắt mặt mừng, cười nói vui vẻ với những điệu bộ, cử chỉ thân mật … Hai vị lãnh đạo chia tay nhau với lời hứa “một mối quan hệ cá nhân thân thiết” có thể giúp họ vượt qua những tranh cãi chính trị. Khi ra về, ông Trump thậm chí còn muốn tổ chức lễ diễu binh mừng Quốc Khánh Mỹ giống như nước Pháp.
Đến tháng 04/2018, ông Macron là nguyên thủ đầu tiên được chính quyền Trump đón tiếp với nghi lễ trọng thể cấp quốc gia. Hai vị tổng thống đã nồng nhiệt ôm hôn chào nhau theo kiểu Pháp. Nếu như tại Paris, tổng thống và đệ nhất phu nhân hai nước đã có bữa ăn tối thân mật ở nhà hàng sang trọng trên tầng 1 của tháp Eiffel, một trong những công trình biểu tượng của nước Pháp và Paris hoa lệ, thì tại Mỹ, ông Trump đã mời đồng nhiệm và đệ nhất phu nhân Pháp lên chuyên cơ đi ngắm toàn cảnh thủ đô nước Mỹ rồi đến dùng bữa thân mật tại Mount Vernon, dinh thự của George Washington, vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, một địa điểm lịch sử và biểu tượng nổi tiếng của Hoa Kỳ.
Trong chuyến công du, tổng thống Pháp có rất nhiều hoạt động, nhưng theo ông Marc Porter, chủ tịch hiệp hội Republicans Overseas France, “điều quan trọng nhất là những lúc hai vị lãnh đạo ngồi riêng hai người với nhau. Và đã có rất nhiều thời điểm như vậy trong chuyến công du lần này. Chính vào những lúc như thế các mối quan hệ cá nhân được thắt chặt”. “Bộ đôi” Macron – Trump đã cho thấy sự “hòa hợp”, “thân thiết” hiếm có giữa các lãnh đạo quốc gia, khác hẳn thái độ xa cách, lạnh nhạt của tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ với thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ tướng Anh Theressa May.
Điều gì tạo nên “cặp đôi” Macron – Trump ?
Có một mối quan hệ “gần gũi”, “nồng ấm” với tổng thống Trump là điều không hề dễ. Nhưng vì sao ông Macron có được “cảm tình”, có “sức hút” như vậy với tổng thống Mỹ ? Con đường đến chiếc ghế tổng thống của hai ông có nét tương đồng nhất định. Cả hai đều đắc cử một cách không mấy ai ngờ tới, đánh bại những nhân vật chính trị truyền thống. Ông Wiliam Drozdiak, cựu lãnh đạo văn phòng châu Âu của báo Mỹ Washington Post, giải thích : “Cả hai đều là những ứng cử viên khó bề trúng cử và không thuộc tầng lớp tinh hoa và các tổ chức chính trị. Chính Macron đã nhấn mạnh đến điểm này trong những cuộc gặp đầu tiên của họ”.
Chuyên gia Stephen Pomper, cựu cố vấn của tổng thống Barack Obama về các hồ sơ đa phương, nhận xét là ban đầu, trong khi lãnh đạo của các nước khác còn ngần ngại, do dự trong việc xích lại gần Donald Trump, tổng thống Pháp Macron đã nhanh chóng tìm được cách làm việc với đồng nhiệm Mỹ : “Ông ấy (Macron) có một số hành động thể hiện một sự tôn trọng và điều đó rõ ràng là rất quan trọng đối với tổng thống Trump”.
Nhân chuyến đi thăm Mỹ, trả lời phỏng vấn của trang Brut, tổng thống Pháp khẳng định : “Ngay từ đầu, tôi đã theo dõi chương trình vận động tranh cử và những bước đi đầu tiên của ông ấy (Trump) trên cương vị tổng thống. Trước tiên, phải nói là người Mỹ đã quyết định bầu ông Trump làm tổng thống và ông ấy có tinh thần quyết tâm rất cao. Ông ấy biết điều mình muốn. Nhiều khi chúng tôi đồng tình với nhau, nhưng nhiều khi thì không. Nhưng ngay từ đầu, tôi đã quyết định là chúng tôi cần hợp tác với nhau và chúng tôi có thể hợp tác với nhau. Chúng tôi đã có những trao đổi rất cụ thể, thẳng thắn và một mối quan hệ rất nồng ấm. Trong cuộc gặp đầu tiên hồi tháng 06/2017, tôi đã hiểu rằng đó không phải là điều có thể mà là lựa chọn tốt nhất”.
Macron đủ khôn ngoan để hiểu tổng thống Trump là một đồng minh sống còn. Khi được hỏi liệu có phải châu Âu không hiểu biết mấy về tổng thống Trump, Macron khôn khéo đáp : “Tôi không biết. Tôi nghĩ rằng tổng thống Trump là nhà lãnh đạo được bầu lên ở Mỹ và chắc chắn đôi khi ông có cách tiếp cận khác biệt. Ông ấy có phong cách thực sự là đặc biệt và cũng gây rất nhiều tranh cãi, kể cả ở ngay nước Mỹ.
Tôi nghĩ rằng ở châu Âu, nhiều người tôn trọng ông Trump, nhưng tất nhiên có một số người thì không hiểu các quyết định của ông ấy. Thế nhưng, với tôi đó không phải là một chủ đề. Vấn đề trọng tâm là biết nên làm thế nào với ông ấy. Chắc chắn là quan hệ giữa các nước hai bên bờ Đại Tây Dương hoàn toàn mang tính sống còn trong bối cảnh hiện nay. Chúng ta cần cùng nhau xây đắp. Chúng ta cần làm việc với nhau.
Thông điệp mà tôi muốn truyền tải trong chuyến thăm Mỹ lần này là hai nước chúng ta đã chia sẻ mạnh mẽ với nhau lịch sử, từ Cách Mạng Mỹ đến Cách Mạng Pháp, Đệ Nhất rồi Đệ Nhị Thế Chiến. Chúng ta cần trung thực, trung thành với nhau và đứng về một phía trong lịch sử chung này. Đối với tôi, điều này là rất quan trọng. Khi hai nước chúng ta được ghi vào lịch sử chung này, khi hai nước có chung số mệnh thì sẽ giảm nhẹ được những bất đồng có thể xảy ra”.
Ông Macron muốn trở thành “phát ngôn viên” của châu Âu và đại diện cho các lợi ích của Liên Hiệp. Khách quan mà nói, bối cảnh châu Âu khi đó cũng thuận lợi cho vị tổng thống trẻ tuổi Macron. Nước Anh đang vướng bận với Brexit và có tương lai bất định, uy tín chính trị của thủ tướng Đức Angela Merkel trong nước suy giảm …
Trong hoàn cảnh đó, theo nhà nghiên cứu Alexandra de Hoop Scheffer, ông Macron đã biết tận dụng “khoảng trống” để trở thành “người truyền tải thông điệp” của Trump ở châu Âu, “đồng minh tất yếu” của tổng thống Mỹ. Còn đối với Trump, Macron là lãnh đạo duy nhất của một nước lớn ở Liên Âu mà ông cảm thấy có thể đối thoại và hòa hợp, nhất là về hợp tác quốc phòng và an ninh.
Khi quan hệ nồng ấm trở nên nguội lạnh …
Thế nhưng, tuần trăng mật nào rồi cũng qua ! Cây sồi non, tượng trưng cho quan hệ bền lâu và tình bạn Pháp – Mỹ, món quà của tổng thống Macron tặng cho đồng nghiệm Trump trong chuyến công du hồi năm 2018 và được hai ông cùng đệ nhất phu nhân Brigitte Macron và Melania Trump trồng trong khuôn viên Nhà Trắng, không lâu sau đó đã chết. Nhiều người coi đó là dấu hiệu dự báo tình bạn Macron – Trump sẽ sớm “lụi tàn”. Cú bắt tay của Macron để lại vết hằn ngón tay cái trên bàn tay ông Trump tại hội nghị G7 mở rộng tại Québec, Canada hồi tháng 06/2018 cũng được coi là “điềm báo” cho mối quan hệ đối đầu sau này.
Và chính trong chuyến công du Washington, ông Macron đã hiểu ra rằng tổng thống Mỹ là người “không thể lay chuyển được” và không chắc là có thể thuyết phục Trump về những hồ sơ “gai góc”. Trên thực tế, hai nhà lãnh đạo đã “ăn miếng, trả miếng” nhau nhiều lần trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.
Nhất là với tính cách của Donald Trump, ông không bỏ lỡ cơ hội nào để giễu cợt vị đồng nhiệm kém ông 30 tuổi đời mà ông vẫn coi là “một người bạn từ rất lâu”, “một người có nhiều điểm chung” và “không gì có thể phá hủy tình bạn” giữa họ. Chẳng hạn, Donald Trump đã viết trên Twitter mỉa mai việc tổng thống Macron có điểm tín nhiệm quá thấp hay để tỉ lệ thất nghiệp quá cao, để xảy ra phong trào Áo Vàng … Trong khi đó, tổng thống Pháp luôn chỉ trích đồng nhiệm Mỹ bảo hộ mậu dịch, chủ trương co cụm đơn phương …
Cho dù “phương pháp Macron”, theo Alexandra de Hoop Scheffer, giám đốc một cơ quan tư vấn Mỹ, chi nhánh Paris, là không chỉ trích trực tiếp, làm sáng tỏ các điểm bất đồng và vạch ra các lằn ranh đỏ, cho dù hai nhà lãnh đạo đồng ý với nhau về mục tiêu chống các mối đe dọa khủng bố, nhưng vẫn còn đó những bất đồng cơ bản và sâu sắc về hồ sơ khí hậu, hạt nhân Iran, thương mại, vai trò của Liên Hiệp Châu Âu, NATO, Tổ Chức Thương Mại Thế Giới …
Còn đối với Pascal Boniface, giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (Ifri), quan hệ Macron – Trump là “một sự pha trộn đặt biệt giữa tình bạn cá nhân và sự cạnh tranh chiến lược”. Một người đại diện cho chủ nghĩa đơn phương, một người đại diện cho chủ nghĩa đa phương. Trong khi Trump hô khẩu hiệu “Make America great again” (Hãy làm nước Mỹ vĩ đại trở lại), rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, thì Macron kêu gọi “Make our planet great again” (Hãy làm cho hành tinh của chúng ta vĩ đại trở lại) …
Tổng thống Macron dù muốn nhưng đã không thành công trong việc dùng lợi thế quan hệ cá nhân thân thiết để thuyết phục ông Trump trên nhiều hồ sơ quốc tế “gai góc”. Mặc dù Emmanuel Macron có thể coi là đã có ảnh hưởng nhất định đối với tổng thống Mỹ về hồ sơ Syria, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng nhìn chung sách lược “tâm lý – địa chiến lược” của tổng thống Pháp đã không thành công, nhất là vì phương châm hành động của ông Trump là “America First” (Nước Mỹ là trên hết).
Mục tiêu của Donald Trump là tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ hai trong kỳ bầu cử 2020 và chính sách đối ngoại của Donald Trump cũng lựa theo mục tiêu đó, chứ không nhượng bộ chỉ vì muốn bạn hữu hài lòng.
Nguồn: rfi.fr