Người dân đi chợ ở bang Pahang, Malaysia ngày 20-1-2021 - Ảnh: AFP
CDC Mỹ tối 29-1 yêu cầu tất cả hành khách đều phải đeo khẩu trang khi đi máy bay, tàu thủy, tàu hỏa, tàu điện ngầm, xe buýt, taxi, cũng như tại các trung tâm vận chuyển như sân bay, trạm xe buýt, bến phà, ga tàu hỏa, ga tàu điện ngầm và cảng biển.
CDC cho biết những người vi phạm sẽ chịu phạt dân sự hoặc hình sự, theo Hãng tin Reuters. Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cao tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang, cho rằng hành động này sẽ cứu sống hàng chục ngàn sinh mạng ở Mỹ.
Mỹ đã tiếp tục ghi nhận trên 150.000 ca mắc mới trong những ngày qua, nâng tổng số các ca bệnh lên hơn 26,5 triệu ca, bao gồm hơn 447.400 ca tử vong.
Trong một diễn biến khác, Malaysia ngày 29-1 ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 cao kỷ lục với hơn 5.700 người mắc bệnh, dù cho nước này đã bước vào tuần thứ 3 thực hiện lệnh phong tỏa một phần nghiêm ngặt.
Ngoại trừ bang Sarawak, 12 bang khác và 3 vùng lãnh thổ liên bang, bao gồm Kuala Lumpur, đã phải tuân thủ lệnh kiểm soát đi lại (MCO) kể từ ngày 13-1. Tổng số ca nhiễm virus corona ở Malaysia đã vượt mốc 200.000 ca trong ngày 29-1, bao gồm 733 ca tử vong.
Chính phủ nước này cảnh báo số ca nhiễm hằng ngày có thể tăng lên đến 8.000 ca vào cuối tháng 3 hoặc tháng 5, nếu đà tăng hiện nay không chậm lại, theo báo The Straits Times. Các chuyên gia y tế cho biết việc không đeo khẩu trang và thái độ nửa vời đối với các biện pháp giãn cách xã hội đã góp phần làm gia tăng số ca mắc mới ở Malaysia.
"Đây là điều thường thấy ở các nhân viên phục vụ, người bán đồ ăn, bồi bàn tại nhà hàng, công nhân xây dựng và nhân viên văn phòng ở khu vực tư nhân cũng như chính phủ" - ông Subramaniam Muniandy, chủ tịch Hiệp hội Y khoa Malaysia, nói.
Sự gia tăng ca mắc mới diễn ra chưa đầy 2 tuần trước tết âm lịch ở nước này. Trong khi đó, MCO sẽ kết thúc vào ngày 4-2. Chính phủ Malaysia thừa nhận không muốn mở rộng các hạn chế nghiêm ngặt hơn nữa do lo sợ thiệt hại kinh tế nặng nề hơn.
Tuy nhiên, Malaysia đang điều chỉnh các giao thức y tế, gọi là quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) để áp dụng trong dịp tết này. Truyền thông địa phương cho biết SOP sẽ bao gồm hạn chế tụ tập trên 20 người trong một hộ gia đình.
Tổn thất nặng vì các biện pháp hạn chế đi lại, các công ty du lịch và thương mại ngày 29-1 thúc giục chính phủ Malaysia thảo luận với Singapore, nhằm cho phép người dân đảo quốc sư tử đã tiêm ngừa COVID-19 vào nước này mà không cần kiểm dịch.
Ngoài ra, chính phủ cũng đã thêm cửa hàng trang sức, cơ sở chăm sóc da, tiệm thiết bị điện và tiệm bán mắt kính vào danh sách doanh nghiệp được mở cửa. Trong đợt MCO đầu tiên diễn ra ngày 18-3-2020 và kéo dài khoảng 2 tháng, Malaysia chỉ cho phép siêu thị và nhà thuốc mở cửa.
Malaysia dự kiến bắt đầu chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 vào cuối tháng 2.
Nhân viên an ninh đứng gác ở lối vào Bệnh viện Kim Ngân Đàm ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc ngày 30-1-2021 - Ảnh: AP
Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha tỏ ra lạc quan sau khi Trung tâm quản lý tình hình COVID-19 (CCSA) phê chuẩn việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát virus corona ở nhiều vùng của đất nước.
Việc nới lỏng sẽ có hiệu lực từ 1-2, cho phép các doanh nghiệp và trường học nối lại hoạt động, nhưng mọi người vẫn phải tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe, theo báo Bangkok Post.
Thái Lan sáng 30-1 báo cáo thêm 930 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 ở nước này lên gần 18.000 người, bao gồm 77 ca tử vong.
Số ca mắc mới ở Hàn Quốc cũng duy trì ở mức trên 400 ca trong ngày thứ ba liên tiếp hôm 30-1, nâng tổng số ca nhiễm virus ở nước này lên hơn 77.800 ca. Các ổ dịch bắt nguồn từ các nhà thờ, trung tâm y tế và viện dưỡng lão đã và đang lan rộng khắp Hàn Quốc.
Các quan chức y tế đang thận trọng cân nhắc hạ mức độ của các biện pháp giãn cách xã hội khi tết cổ truyền của nước này, từ ngày 11 đến 13-2 sắp tới, theo hãng thông tấn Yonhap. Thủ đô Seoul đã áp dụng mức giãn cách 2,5, trong thang 5 mức của Hàn Quốc, từ đầu tháng 12-2020. Các khu vực khác của Hàn Quốc đang áp dụng mức 2.
Tại Trung Quốc, các thành viên của đội điều tra nguồn gốc COVID-19 do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dẫn đầu đã đến thăm bệnh viện thứ hai ở thành phố Vũ Hán trong sáng 30-1. Bệnh viện Kim Ngân Đàm là một trong những bệnh viện đầu tiên của thành phố tiếp nhận điều trị các bệnh nhân COVID-19 từ đầu tháng 1-2020.
Dự kiến đội điều tra sẽ thăm các bệnh viện, phòng thí nghiệm và các chợ trong 2 tuần ở Vũ Hán, nơi đầu tiên phát hiện virus corona từ cuối năm 2019.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online