Philippines là quốc gia duy nhất trên thế giới, ngoài Tòa thánh Vantican, không hợp pháp hóa việc ly hôn (Ảnh minh họa: AFP).
Theo Al Jazeera, Hạ viện Philippines đã thông qua dự luật cho phép ly hôn vào tháng 5. Nếu dự luật này tiếp tục được Thượng viện đồng ý thì ly hôn sẽ trở thành hợp pháp ở quốc gia Đông Nam Á.
Mặc dù tương lai của dự luật này vẫn chưa chắc chắn nhưng nhiều người Philippines đã đặt hy vọng rằng nó sẽ mở ra cho họ một cánh cửa để thoát khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc.
"Điều này chưa bao giờ đi xa tới vậy. Lần này, tôi cảm thấy chúng tôi có thể có cơ hội", bà AJ Alfafara, điều phối viên của Liên minh Divorce PILIPINAS - nhóm vận động quyền ly hôn ở Philippines - chia sẻ.
Chị Michelle Bulang dù đang nuôi 4 con và đã ly thân với người chồng bạo hành cách đây 6 năm nhưng vẫn không thể ly hôn. Chị kết hôn ở tuổi 26 sau khi trải qua tuổi thơ mà cha mẹ thường xuyên cãi vã và đôi khi bạo hành chính chị.
"Tôi đã nghĩ người đó là một nửa của mình", chị Bulang chia sẻ. Thế nhưng, người này lại thường xuyên say xỉn và đánh đập chị lúc cả hai cãi vã. Khi tức giận, ông chồng không cho chị và các con tiền ăn.
"Các con của tôi bắt đầu coi việc bố mẹ cãi cọ là bình thường. Khoảnh khắc đó là khi tôi nhận ra đây không phải là cuộc đời mà tôi muốn các con sống", chị nói.
Nhưng Bulang không thể kết thúc cuộc hôn nhân này nếu không trải qua một quá trình hủy hôn rất phức tạp và tốn kém so với hoàn cảnh của chị. "Tôi chỉ muốn được hạnh phúc mà thôi. Tôi phải làm gì bây giờ?".
Hủy hôn là việc tuyên bố rằng cuộc hôn nhân chưa bao giờ tồn tại hợp pháp, từ quan điểm pháp lý, hôn nhân bị coi là vô hiệu từ đầu. Còn ly hôn là việc chấm dứt một cuộc hôn nhân hợp pháp, công nhận rằng cuộc hôn nhân đã tồn tại và kết thúc vào thời điểm công bố.
Hiện nay, luật pháp tại Philippines chỉ chấp nhận quá trình hủy hôn. Người Philippines có thể nộp đơn xin ly thân hợp pháp để các cặp vợ chồng sống tách biệt với nhau nhưng không ly hôn trên giấy tờ. Họ cũng có thể nộp đơn xin hủy hôn nhưng quá trình này rất tốn kém và yêu cầu các lý do cụ thể, nghiêm ngặt.
Ly hôn vẫn chưa được xem là hợp pháp ở Philippines, bất chấp cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc, hay trong trường hợp có một bên ngoại tình, bạo hành.
Một số công dân Philippines đã phải lựa chọn những biện pháp cực đoan để thoát khỏi cuộc hôn nhân của họ, thậm chí chuyển đến các quốc gia khác với mục đích chính là nộp đơn ly dị tại tòa án nước ngoài, sau đó hy vọng điều này được công nhận ở Philippines.
Có 50% công dân Philippines trưởng thành ủng hộ việc hợp pháp hóa ly hôn và 31% người bày tỏ phản đối điều này, theo một khảo sát thực hiện bởi viện nghiên cứu Social Weather Stations vào tháng 3.
Những người phản đối thuộc nhóm người Công giáo có quan điểm bảo thủ. Ở quốc gia phần lớn người dân theo Công giáo, nhiều người có niềm tin sâu sắc rằng hôn nhân là thiêng liêng và chỉ nên xảy ra một lần.
Nhiều thượng nghị sĩ Philippines có tầm ảnh hưởng đã tuyên bố phản đối dự luật ly hôn và một số người ủng hộ việc mở rộng quyền tiếp cận các thủ tục hủy hôn đắt đỏ thay vì hợp pháp hóa ly hôn.
Tim Laws, một nhà vận động cho Liên minh vì Gia đình Philippines, lo ngại rằng hàng trăm nghìn người Philippines có thể đổ xô đến tòa án để ly hôn nếu dự luật được thông qua.
Quốc hội đương nhiệm sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 5 năm 2025 và nhiều thượng nghị sĩ có thể do dự trong việc ủng hộ một dự luật ly hôn khi đối mặt với cuộc bầu cử sau đó, bà Alfafara cảnh báo.
Tuần trước, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã trình bày 5 ưu tiên mà ông muốn thông qua tại Quốc hội trước khi hết nhiệm kỳ và hợp pháp hóa ly hôn không nằm trong số đó. Tuy nhiên, bà Alfafara vẫn lạc quan rằng dự luật ly hôn sẽ được Thượng viện thông qua.
"Đây là một chính sách dân sự. Nó không phải là một chính sách tâm linh", bà nhấn mạnh.
Phương Ngân
Theo Al Jazeera
Nguồn: Báo điện tử Dân trí