Lính phòng không của Ukraine đôi khi phải ra quyết định trong tích tắc để cứu nhiều mạng người, song tính mạng của họ luôn bị đe dọa. 

Giống như những phi công ưu tú trong Thế chiến II, chỉ huy Viktor Petryshyn đã khắc lên hệ thống phòng không của mình hình ảnh 58 chiếc máy bay không người lái (UAV), tên lửa và máy bay mà anh đã bắn hạ.

Cuộc chiến ở Ukraine đã cho thấy một hệ thống phòng không toàn diện có thể giúp ngăn chặn hiệu quả lực lượng không quân đáng gờm của Nga. Tuy nhiên, với nguồn cung đạn dược hạn chế, hệ thống phòng không của Ukraine đã lộ ra những hạn chế trước các đợt tấn công bằng UAV và tên lửa hiện đại của Nga.

Chịu trách nhiệm cho các hệ thống phòng không này là những quân nhân thường phải ra quyết định trong tích tắc. Tuy nhiên, mạng sống của họ bị đe dọa khi Nga nhắm mục tiêu vào những vị trí phòng thủ của Ukraine.

Chiếm ưu thế trên không rất quan trọng cho cuộc chiến ngày càng bế tắc trên mặt đất. "Cuộc chiến trên bầu trời là một trong những điều quan trọng nhất hiện tại. Nếu chúng tôi không thể bảo vệ không phận, lực lượng không quân của họ sẽ tràn vào Ukraine", Petryshyn, chỉ huy hệ thống S-300 của Lữ đoàn tên lửa phòng không Odessa số 160, nói.

Ukraine nói họ cần tăng cường hệ thống phòng không để chống lại mối đe dọa từ không quân Nga và ngăn các cuộc tập kích vào lưới điện của nước này. Các chính phủ phương Tây đang tìm kiếm những hệ thống mới và sản xuất thêm tên lửa để hỗ trợ Kiev. Mỹ gần đây đồng ý gửi thêm một hệ thống Patriot cho Ukraine và đang thảo luận với chính phủ Israel để tái triển khai 8 hệ thống đặt tại Israel đến Kiev.

Xung đột ở Ukraine và Trung Đông đã cho thấy tầm quan trọng hàng đầu của năng lực phòng không trong chiến tranh hiện đại. Với kho vũ khí đa dạng thời Liên Xô và những hệ thống mà phương Tây cung cấp, Ukraine đã trở thành nơi thử nghiệm mức độ hiệu quả của các loại vũ khí.

Hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất được đánh giá là hiệu quả nhất. Nó có khả năng bắn trúng mục tiêu cách hơn 96 km và có khả năng phá hủy các tên lửa siêu vượt âm và đạn đạo mà các hệ thống khó có thể đánh chặn. Ukraine đang vận hành khoảng 3-5 tổ hợp Patriot được Mỹ và một số nước châu Âu chuyển giao.

Hệ thống phòng thủ S-300 từ thời Liên Xô mà Petryshyn đang vận hành có hiệu quả kém hơn. Được đưa vào sử dụng từ cuối những năm 1970, kíp vận hành S-300 có 6 người. Một thành viên chịu trách nhiệm phát hiện mục tiêu trên radar, một người khác căn chỉnh vị trí bắn dựa vào tính toán từ hai thành viên khác. Sau khi chỉ huy ra lệnh, thành viên cuối cùng sẽ nhấn nút khai hỏa.

Mỗi ca làm việc thường kéo dài tới 18 tiếng. Ngoài kíp vận hành chính, còn có các nhóm hỗ trợ gồm tài xế, đội bảo vệ, đầu bếp. Một đơn vị lưu động này có thể lên tới 45 người.

Petryshyn, 43 tuổi, đã đảm nhận vai trò này từ năm 2014 song luôn cảm thấy phấn khích mỗi khi đội của anh bắn trúng mục tiêu. "Tôi vẫn xúc động và hét lên", anh kể.

1 Nhung Nguoi Ra Quyet Dinh Trong Tich Tac De Bao Ve Bau Troi Ukraine

Chỉ huy Viktor Petryshyn. Ảnh: WSJ

Dmytro Plys, 28 tuổi và tham gia quân đội từ năm 2017, nằm trong đội vận hành một hệ thống S-300 khác ở miền đông Ukraine, vai trò của anh là căn chỉnh vị trí nhắm mục tiêu. Khoảng 6 tháng trước, người điều khiển radar trong đội của Plys phát hiện chuyển động bất thường trên màn hình, song họ không thể xác định mục tiêu là gì do nó liên tục thay đổi tốc độ và độ cao. Đôi khi nó thậm chí biến mất khỏi màn hình radar. Họ cuối cùng kết luận đó là trực thăng chiến đấu.

Plys kể lại chỉ huy đã hạ lệnh tấn công. Plys nhắm vị trí khai hỏa. Tên lửa được phóng đi và 20 giây sau mục tiêu bị phá hủy trong tiếng reo hò của cả đội. Sau đó, họ phát hiện đã bắn hạ một chiếc Ka-52, một trong những trực thăng cơ động và giá trị nhất của Nga. Đội của Plys nói rằng họ đã bắn hạ tổng cộng 8 tiêm kích và 2 trực thăng.

Các đội phòng không luôn đối mặt rủi ro. Một vài hệ thống phòng không của Ukraine, gồm cả Patriot, đã bị hư hỏng hoặc bị phá hủy trong các đợt tập kích của Nga, theo quan chức phương Tây.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 7/7 tuyên bố tập kích và phá hủy hai bệ phóng thuộc tổ hợp phòng không Patriot của Ukraine ở Yuzhne, vùng Odessa, cùng một radar tầm xa Giraffe.

2 Nhung Nguoi Ra Quyet Dinh Trong Tich Tac De Bao Ve Bau Troi Ukraine

Hình ảnh các loại vũ khí mà đội của Viktor Petryshyn đã bắn hạ được khắc lên tổ hợp S-300. Ảnh: WSJ

Hệ thống S-300 của Plys cũng đang phải sửa chữa sau khi tên lửa của Nga suýt đánh trúng nó. "Không có người nào không biết sợ", anh nói.

Đội của Petryshyn cũng có vài lần suýt bị vũ khí Nga đánh trúng. Hồi tháng 1, đội của anh đã bị UAV trinh sát của Nga phát hiện. Tại khu vực gần Biển Đen mà anh đang hoạt động, Nga có thể khai hỏa từ bán đảo Crimea gần đó hoặc từ tàu hải quân và đội của Petryshyn chỉ có khoảng 3,5 phút để ẩn nấp.

Petryshyn lúc đó ở bên ngoài xe và nhanh chóng tìm chỗ nấp. Tổ hợp S-300 kịp di chuyển gần 1 km trước khi tên lửa Nga lao xuống đúng vị trí cũ.

"Chúng tôi có những thiên thần hộ mệnh", anh nói. Đơn vị của anh có những ngày phải thay đổi vị trí tới 3 lần để tránh bị phát hiện.

3 Nhung Nguoi Ra Quyet Dinh Trong Tich Tac De Bao Ve Bau Troi Ukraine

Quân y Ukraine sơ tán người lính bị thương khỏi tiền tuyến gần Bakhmut hồi tháng 3/2023. Ảnh: AFP

Lực lượng phòng không Ukraine đôi khi sẵn sàng di chuyển tổ hợp của họ tới sát tiền tuyến để triển khai chiến thuật mà nhiều người gọi là phục kích tên lửa đất đối không. Ukraine từng tuyên bố bắn hạ máy bay cảnh báo sớm A-50 giá 350 triệu USD của Moskva bằng chiến thuật này. A-50 có biệt danh là "mắt thần trên không", được đánh giá là một trong những ưu thế lớn nhất của Nga so với quân đội Ukraine nhờ khả năng phát hiện vật thể bay từ khoảng cách 800 km và mục tiêu mặt đất từ cách 300 km.

Nga cũng đã thay đổi chiến thuật. Tên lửa Nga thường khai hỏa dọc theo cùng tuyến đường, ở tầm thấp hoặc qua sông để tránh radar, theo Petryshyn. Các tên lửa Nga trở nên cơ động hơn để tránh hệ thống phòng không.

Nga sử dụng UAV giá rẻ để thăm dò vị trí phòng không của Ukraine và sau đó khai hỏa tên lửa vào khu vực đó, theo các nhà phân tích quân sự.

Đại tá Ro Clemente, sĩ quan quân đội Mỹ chuyên về phòng thủ tên lửa, cho biết việc Ukraine sử dụng nhiều tên lửa phòng không khác nhau khiến họ khó có thể tạo ra hệ thống phòng thủ gắn kết. Các đơn vị Patriot thường hoạt động riêng biệt thay vì là một phần trong lá chắn phòng thủ thống nhất. Clemente thêm rằng các hệ thống của Ukraine cũng thường phải hoạt động quá mức.

Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết họ đã bắn hạ hàng nghìn UAV và tên lửa , cùng khoảng 359 máy bay và 326 trực thăng, gây tổn thất nghiêm trọng cho lực lượng phòng thủ Nga. Tuy nhiên, Petryshyn và Plys nói rằng Ukraine đang cạn tên lửa cho tổ hợp S-300.

Đôi khi họ khai hỏa và bắn trượt mục tiêu. "Lúc đó bạn sẽ thấy thật tệ. Chúng tôi gần như cạn kiệt tên lửa nhưng lại lãng phí vì bắn trượt", Plys nói.

Thùy Lâm (Theo WSJ, Reuters)

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC