Nike và Adidas vẫn tung hoành trên các trang web thương mại điện tử lớn của Trung Quốc với những mã giảm giá cực "khủng" bất chấp lời kêu gọi "tẩy chay là yêu nước". Nhiều người tỏ ra không quan tâm và gọi đây là "trò chơi chính trị".

42 1 Nike Va Adidas Thoat Tay Chay Cua Trung Quoc Nho Giam Gia Khung

Một cửa hàng Nike tại Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

Nhiều người tiêu dùng đã kêu gọi tẩy chay kịch liệt tất cả các thương hiệu đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức để sản xuất bông ở Tân Cương. Song vào hôm chủ nhật 28-3, Nike và Adidas vẫn hoạt động bình thường trên các nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như Taobao và JD.com.

Dù một số nghệ sĩ nổi tiếng đã lên tiếng cắt đứt quan hệ với những công ty như Adidas và Nike, các đội tuyển bóng đá của nước này vẫn "bình chân như vại". Trái ngược với H&M, hai hãng giày và đồ dùng thể thao của Mỹ, Đức không đưa ra lời xin lỗi nào sau khi cư dân mạng Trung Quốc đào lại các bình luận có từ năm ngoái về Tân Cương.

Thay vào đó, Nike đã tung ra đợt giảm giá cực "sốc" với những đôi giày thể thao nữ chỉ tầm 699 NDT (khoảng 2.500.000 đồng) trên Tmall, thu hút 350.000 lượt đăng ký. Những sản phẩm này đã "cháy hàng" ngay lập tức, theo báo South China Morning Post (SCMP).

Trên thực tế, theo SCMP, ngay từ những ngày đầu tiên của phong trào tẩy chay, bất chấp những lời kêu gọi "cạch mặt" trên mạng xã hội, một số vị khách trung thành của các nhãn hàng tỏ ra không quan tâm đến "trò chơi chính trị".

Teresa Bai, một vị khách ghé cửa hàng thời trang H&M ở Shimao Tianjie (Bắc Kinh), chia sẻ: "Đây là 'trò chơi chính trị' giữa Trung Quốc và Mỹ. Thực ra, tôi nghĩ H&M cũng chỉ là nạn nhân. Họ buộc phải chọn giữa thị trường phương Tây và thị trường Trung Quốc, và họ đã chọn bên thứ nhất, nơi có thị phần lớn hơn".

Bình luận về những chỉ trích trên mạng, cô nghĩ rằng người tiêu dùng nên thành thật với nhận định của chính mình, đừng tẩy chay một cách mù quáng. "Còn về phần tôi, tôi sẽ cứ mua những gì mình thích", Bai thẳng thắn.

SCMP cũng bắt gặp một thanh niên khác đang mải mê chọn giày trong cửa hàng Nike giữa làn sóng tẩy chay. "Là một người sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc, tất nhiên tôi nên phản đối Nike. Nhưng kiểu dáng đẹp thế này làm sao tôi có thể tẩy chay cho được?".

42 2 Nike Va Adidas Thoat Tay Chay Cua Trung Quoc Nho Giam Gia Khung

Nhân viên bảo vệ đứng bên ngoài một cửa hàng H&M tại Bắc Kinh ngày 25-3, một ngày sau khi thương hiệu này bị chỉ trích và tẩy chay ở Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

Hôm 26-3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đến thăm một nhà máy BASF ở Nam Kinh. Đây là một liên doanh Đức - Trung Quốc tập trung sản xuất một số hóa chất cung cấp cho Nike và Adidas.

Hình ảnh và video ngắn về chuyến thăm của ông Lý đã được tải lên và chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội Trung Quốc. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông và trang web chính phủ của Trung Quốc không đề cập đến chuyến thăm này.

Trong các video được chia sẻ, ông Lý đã có cuộc trò chuyện với giám đốc điều hành cấp cao của BASF, khuyến khích liên doanh đầu tư nhiều hơn vào Trung Quốc để đủ điều kiện nhận được nhiều lợi ích thuế hơn.

Với tình hình như vậy, theo SCMP, không khó hiểu khi phong trào "tẩy chay là yêu nước" chẳng mấy chốc đã lắng xuống ở Trung Quốc.

Phong trào tẩy chay các nhãn hiệu nước ngoài bùng phát vào ngày 24-3 trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc. Dù đã đưa ra lời xin lỗi, hoạt động kinh doanh của H&M tại Trung Quốc vẫn chưa thể trở lại bình thường sau sự cố.

Khởi đầu từ H&M, Nike và Adidas cùng nhiều thương hiệu khác đã phải hứng chỉ trích của cư dân mạng vì những bình luận bày tỏ lo ngại có lao động cưỡng bức ở Tân Cương, bất chấp những phát ngôn này được đưa ra từ tận năm ngoái.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC