Ông Ismail Haniyeh là thủ lĩnh chính trị của Hamas. Trong ảnh: ông Haniyeh phản ứng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel vào tháng 12-2017 - Ảnh: Reuters
Ông Ismail Haniyeh (62 tuổi) - người đứng đầu văn phòng chính trị của Hamas tại Doha, Qatar - bị ám sát khi đang có mặt tại thủ đô Tehran của Iran vào sáng 31-7. Hamas xác nhận ông Haniyeh đã chết, cho rằng vụ ám sát do những người thuộc "chủ nghĩa phục quốc Do Thái" (ám chỉ Israel) thực hiện và thề sẽ trả thù.
Lỗ hổng an ninh
Tổng hợp: THANH BÌNH
Ngay khi có tin ông Haniyeh bị ám sát, mọi nghi ngờ đã đổ dồn vào Israel.
Bởi lẽ trước đó Israel đã tuyên bố sẽ tiêu diệt ông Haniyeh và các nhà lãnh đạo khác của Hamas vì vụ Hamas tấn công Israel ngày 7-10-2023 khiến khoảng 1.200 người chết.
Vụ việc xảy ra chỉ vài giờ sau khi Israel tuyên bố đã tiêu diệt chỉ huy cấp cao Fuad Shukr của Hezbollah trong một cuộc không kích ở thủ đô Beirut của Lebanon.
Trong những năm qua Israel đã bị cáo buộc thực hiện một số vụ ám sát bên trong lãnh thổ Iran, trong đó có những cuộc tấn công nhắm vào các nhà khoa học hạt nhân hàng đầu tại đất nước này.
Trong nhiều giờ sau vụ ám sát, tính đến 17h chiều 31-7 (giờ Việt Nam), Israel không bình luận gì về cái chết của ông Haniyeh.
Một số nguồn tin cho biết ông Haniyeh thiệt mạng trong phòng ngủ ở Tehran do trúng phải một tên lửa dẫn đường chính xác được phóng về phía ông vào khoảng 2h sáng 31-7 (theo giờ Iran).
Hãng tin IRNA của Iran cho biết các cuộc điều tra sâu hơn đang được thực hiện để xác định chi tiết về vụ tấn công và vị trí tên lửa được phóng đi.
Nếu được chính thức xác nhận đây là cuộc tấn công của Israel, vụ ám sát ông Haniyeh đã bộc lộ lỗ hổng an ninh rất lớn đối với Iran.
Ông Haniyeh đến Tehran để dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian vào hôm 30-7.
Ông có mặt tại đây cùng các thành viên cấp cao khác trong "trục kháng chiến" của Iran - tức các lực lượng đồng minh bao gồm Hamas ở Gaza, Hezbollah ở Lebanon và Houthi ở Yemen.
Trước đây, Israel đã từng tấn công các lãnh đạo Hamas. Ông Haniyeh bị ám sát hụt hồi năm 2003, khi Israel nhắm vào ông và nhà lãnh đạo tinh thần - người sáng lập Hamas Sheik Ahmed Yassin. Quân đội Israel đã ám sát ông Yassin một năm sau đó.
"Không cần phải khóc. Phải kiên định và sẵn sàng trả thù" - vào thời điểm ấy, ông Haniyeh đã nói như vậy với đám đông tụ tập bên ngoài Bệnh viện Al-Shifa ở thành phố Gaza.
Nỗi lo trả đũa và xung đột lan rộng
Vụ ám sát thủ lĩnh chính trị Hamas tại Iran làm dấy lên nỗi lo về các cuộc tấn công trả đũa và chiến tranh lan rộng hơn ở Trung Đông, khu vực vốn đã bị "rung chuyển" vì xung đột Israel - Hamas ở Gaza và căng thẳng leo thang giữa Israel - Hezbollah ở Lebanon. Cánh vũ trang của Hamas tuyên bố vụ ám sát này sẽ "đưa cuộc chiến lên một tầm mới và gây ra hậu quả nghiêm trọng", trong khi Iran cũng tuyên bố sẽ trả đũa.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani khẳng định "dòng máu thuần khiết" của ông Haniyeh "sẽ không bao giờ bị lãng phí".
Trong khi đó, Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei cho biết Israel đã tạo ra lý do cho việc "trừng phạt nghiêm khắc chính mình" và Tehran có nhiệm vụ trả thù cho cái chết của thủ lĩnh Hamas vì vụ việc xảy ra ở Iran.
Câu hỏi lớn lúc này là Tehran sẽ làm gì trên thực tế, liệu họ có sẵn sàng thực hiện một cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn vào Israel như đã làm hồi tháng 4 không.
Cuộc không kích của Israel nhắm vào chỉ huy cấp cao Fuad Shukr của Hezbollah - nhóm được Iran hậu thuẫn - cũng sẽ làm dấy lên câu hỏi về phản ứng của Iran.
Ông Assaf Orion, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu an ninh quốc gia (INSS) của Israel, nhận định cái chết của ông Haniyeh và ông Shukr "làm tăng khả năng xảy ra phản ứng của phe trục (kháng chiến)".
Tính đến 17h ngày 31-7 (theo giờ Việt Nam), không có bình luận hay tuyên bố nhận trách nhiệm nào từ Israel. Quân đội Israel cho biết họ đang đánh giá tình hình nhưng chưa ban hành bất kỳ hướng dẫn an ninh mới nào cho dân thường.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu dự kiến họp để tham vấn với các quan chức an ninh trong ngày 31-7.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết Washington sẽ nỗ lực giảm bớt căng thẳng nhưng cũng nói Mỹ sẽ giúp bảo vệ Israel nếu nước này bị tấn công.
"Tôi nghĩ chiến tranh là điều có thể tránh khỏi. Tôi vẫn giữ quan điểm đó. Tôi nghĩ luôn có chỗ và cơ hội cho ngoại giao" - ông nói với báo giới khi đang thăm Philippines.
Tác động tới các cuộc đàm phán
Vụ ám sát trên đã gây lo ngại cho các nhà ngoại giao quốc tế đang tìm cách xoa dịu căng thẳng.
Theo Hãng tin AP, một nhà ngoại giao phương Tây nói rằng vụ tấn công kép ở Beirut và Tehran đã "gần như giết chết" hy vọng về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza và có thể đẩy Trung Đông vào một "cuộc chiến tranh khu vực tàn khốc".
Ông Haniyeh từ lâu đóng vai trò trung tâm trong phong trào Hồi giáo Hamas, dẫn dắt nhóm này vượt qua nhiều cuộc chiến với Israel và trải qua các cuộc bầu cử.
Gần đây hơn, ông tham gia xử lý các cuộc đàm phán và hoạt động ngoại giao cho Hamas, gồm cả những cuộc đàm phán ngừng bắn đang diễn ra (do Ai Cập, Qatar và Mỹ làm trung gian) với Israel để chấm dứt cuộc chiến ở Gaza.
Sống lưu vong, ông Haniyeh thường xuyên di chuyển qua lại giữa Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ. Không rõ ông và các thủ lĩnh lưu vong khác của Hamas có quyền kiểm soát đến mức nào đối với các nhà lãnh đạo Hamas đang có mặt ở Gaza và cánh quân sự của nhóm này - những người đã thực hiện cuộc tấn công Israel vào ngày 7-10-2023.
Các lãnh đạo lưu vong của Hamas thường nói họ không thể đồng ý với bất cứ điều khoản ngừng bắn nào nếu không có sự chấp thuận của giới lãnh đạo bên trong Dải Gaza.
Mặc dù ông Haniyeh không phải là nhân vật quan trọng về mặt quân sự, nhưng ông chịu trách nhiệm về quan hệ quốc tế của Hamas và là người đối thoại chính với các nước trung gian về thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin ở Dải Gaza.
Nhà phân tích chính trị Barak Ravid của Đài CNN nhận định cái chết của ông Haniyeh "sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến các cuộc đàm phán".
Sau cuộc tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel ngày 7-10 năm ngoái, trong 10 tháng kể từ đó, các cuộc không kích trả đũa và chiến dịch trên bộ của Israel đã khiến gần 40.000 người Palestine ở Gaza thiệt mạng.
Sự ra đi của ông Haniyeh có thể sẽ khiến con đường đi tới hòa bình của Gaza sẽ tiếp tục xa hơn, với nhiều chết chóc hơn phía trước.
Hamas cho biết lễ tang ông Haniyeh sẽ được tổ chức tại Tehran vào ngày 1-8 và sau đó thi hài ông sẽ được đưa đến thủ đô Doha của Qatar để mai táng và cầu nguyện.
Nhiều nước lên án vụ ám sát
Qatar - quốc gia làm trung gian cho các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt giao tranh ở Gaza - đã lên án vụ ám sát ông Haniyeh, coi đây là bước leo thang nguy hiểm. Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ... cũng đã chỉ trích hành động này.
"Qatar lên án mạnh mẽ vụ ám sát ông Ismail Haniyeh tại Tehran và coi đây là tội ác ghê tởm, bước leo thang nguy hiểm, cũng như là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và luật nhân đạo.
Bộ Ngoại giao Qatar khẳng định vụ ám sát này và việc Israel liên tục nhắm mục tiêu vào dân thường ở Gaza sẽ đẩy khu vực vào vòng hỗn loạn cũng như hạn chế triển vọng hòa bình" - Bộ Ngoại giao Qatar tuyên bố.
BÌNH AN - THANH BÌNH
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online