Bất đồng với quân đội khiến Thủ tướng Netanyahu dường như lo ngại nguy cơ các tướng đang bí mật có hành động chính trị nhằm làm suy yếu vị thế của ông.

Quan hệ giữa Thủ tướng Benjamin Netanyahu với các tướng hàng đầu quân đội Israel (IDF) đã căng thẳng trong vài tháng qua, khi hai bên nhiều lần công khai bất đồng về chiến dịch tấn công Hamas ở Dải Gaza.

Khi IDF ngày 16/6 thông báo "ngừng bắn chiến thuật" hàng ngày dọc theo hành lang nhân đạo do Israel thiết lập trong vùng tác chiến ở miền nam Dải Gaza, Thủ tướng Netanyahu đã tuyên bố rằng điều này là "không thể chấp nhận được". "Chúng ta là một đất nước có quân đội, không phải một quân đội có đất nước", ông Netanyahu nói.

Mối bất hòa trở nên sâu sắc hơn sau khi tờ NY Times của Mỹ ngày 2/7 dẫn lời 6 quan chức Israel nói một số tướng quân đội muốn nhanh chóng đạt thỏa thuận ngừng bắn với Hamas và không đồng tình với Thủ tướng Netanyahu về mục tiêu "xóa sổ" nhóm vũ trang.

Các tướng IDF nói với NY Times rằng họ "ngày càng thấy rõ ông Netanyahu không muốn trình bày hay đưa ra cam kết về một kế hoạch thời hậu chiến" và họ tin thỏa thuận ngừng bắn là cách tốt nhất để giải cứu 120 con tin Israel còn bị giam ở Gaza.

Họ cũng lo ngại dự trữ đạn dược của Israel có thể cạn kiệt trong trường hợp chiến tranh tổng lực với Hezbollah nổ ra ở phía bắc, trong khi xung đột Gaza chưa chấm dứt. NY Times không nêu rõ các tướng IDF đã thể hiện quan điểm ở mức nào với Thủ tướng.

Ông Netanyahu lập tức đăng video phản ứng quyết liệt với bài báo này, chỉ trích "những nguồn giấu tên cung cấp thông tin" cho báo Mỹ, tuyên bố Israel "sẽ không đầu hàng trước chủ nghĩa chiến bại".

"Tôi không biết những tướng mà NY Times trích dẫn là ai, nhưng tôi xin nêu rõ: chuyện đó sẽ không xảy ra. Chúng tôi chỉ chấm dứt chiến sự khi đạt được tất cả mục tiêu, bao gồm tiêu diệt Hamas và giải cứu toàn bộ con tin", ông Netanyahu tuyên bố trong video.

Thủ tướng Israel gần đây còn liên tục chỉ trích Mỹ vì chậm cung cấp vũ khí đạn dược cho nước này suốt nhiều tháng. Washington khẳng định viện trợ quân sự cho Tel Aviv đang được triển khai, ngoại trừ loại bom 900 kg vẫn trong quá trình xem xét do lo ngại có thể gây thương vong lớn cho dân thường.

"Cách Thủ tướng Netanyahu phản ứng với thông tin IDF ủng hộ lệnh ngừng bắn ở Gaza cho thấy rõ ông sợ bị quân đội quay lưng và kết hợp với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden làm suy yếu vị thế của mình, trong bối cảnh có các lo ngại về cạn kiệt đạn dược và nguy cơ xung đột với Hezbollah leo thang", bình luận viên Anshel Pfeffer của Haaretz nhận định.

1 Noi Lo Cua Thu Tuong Israel Voi Nguy Co Bi Quan Doi Quay Lung

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu tại Tel Aviv ngày 18/6. Ảnh: AFP

Một số nhà quan sát nhận định các tướng IDF có thể đang vô tình giúp đối thủ của ông Netanyahu hưởng lợi khi đưa ra các phát biểu nhằm vào Thủ tướng Israel. Nỗi lo của ông Netanyahu về nguy cơ quân đội đứng về phía Mỹ để chống lại mình được cho là xuất hiện tuần trước, khi Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tới thăm Washington.

Trong video đăng trước cuộc gặp với cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, ông Gallant cảm ơn chính quyền Tổng thống Biden vì đã viện trợ cho Israel suốt cuộc chiến. "Ngay cả khi có bất đồng về hướng đi, chúng ta vẫn giải quyết một cách kín đáo", ông Gallant nói.

Bình luận của ông Gallant được nhận định là thông điệp ngầm chỉ trích ông Netanyahu vì liên tục cho rằng chính quyền ông Biden coi thường Israel. Các nguồn tin thân cận với ông Netanyahu phản hồi rằng "khi không thể giải quyết bất đồng một cách kín đáo trong suốt nhiều tuần, Thủ tướng buộc phải lên tiếng công khai để giúp các binh sĩ của chúng ta có thứ họ cần".

Netanyahu được cho là lo ngại các chỉ huy cấp cao IDF, trong đó có Bộ trưởng Gallant, đang "về hùa" với Washington để buộc ông phải thừa nhận cuộc chiến ở Gaza dần đến hồi kết. Sự thừa nhận này chắc chắn sẽ khiến các đảng cực hữu rút khỏi liên minh cầm quyền, gần như chắc chắn dẫn đến việc giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm, điều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị thế của ông Netanyahu.

Theo kế hoạch, Israel sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 10/2026. Trong hoàn cảnh hiện nay, ông Netanyahu sẽ gặp rất nhiều bất lợi nếu phải tranh cử sớm. Kết quả thăm dò được công bố ngày 28/6 cho thấy 66% người tham gia cho rằng ông Netanyahu không nên tái tranh cử, chỉ 27% ủng hộ Thủ tướng.

2 Noi Lo Cua Thu Tuong Israel Voi Nguy Co Bi Quan Doi Quay Lung

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (bên phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant. Ảnh: AFP

Theo Haaretz, đây không phải lần đầu ông Netanyahu nghi ngờ các tướng Israel đang tìm cách chống lại mình bằng biện pháp chính trị. Thủ tướng Israel tin chuyện này từng xảy ra trong nhiệm kỳ đầu của ông năm 1996-1999.

Ông Netanyahu khi đó cho rằng Bộ Tổng tham mưu IDF, do người tiền nhiệm Yitzhak Rabin bổ nhiệm, "coi thường tân thủ tướng trẻ tuổi và đã liên thủ với Nhà Trắng dưới thời ông Bill Clinton". Ông Netanyahu năm 1999 thất cử trước đối thủ Ehud Barak của đảng Lao động, một cựu tướng quân đội.

Ông Clinton năm 2018 thừa nhận từng tìm cách giúp Shimon Peres đánh bại ông Netanyahu trong cuộc bầu cử năm 1996 nhưng bất thành. Peres, thành viên đảng Lao động, là thủ tướng Israel tạm quyền sau khi ông Yitzhak Rabin bị ám sát tháng 11/1995. Clinton nói ông cảm thấy Peres ủng hộ các nỗ lực hòa bình Israel - Palestine hơn là ông Netanyahu.

Trong nhiệm kỳ Thủ tướng thứ hai giai đoạn 2009-2013, ông Netanyahu từng nêu phương án oanh tạc một cơ sở hạt nhân Iran tại diễn đàn an ninh bí mật của Israel, nhưng vấp phải sự phản đối từ các tướng quân đội. Ông cho rằng các quan chức an ninh Israel cấp cao sau đó cố tình rò rỉ kế hoạch tác chiến với chính quyền tổng thống Mỹ Barack Obama, nhằm loại bỏ phương án này.

Hiện chưa rõ nghi ngờ của ông Netanyahu có bao nhiêu phần đúng, nhưng chắc chắn quan hệ giữa IDF và các cơ quan an ninh Israel với Mỹ lúc này đang mạnh mẽ hơn so với giữa ông Netanyahu với ông Biden, bình luận viên Pfeffer nhận định.

Như Tâm (Theo Haaretz, Times of Israel)

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC