Ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump tại đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa hôm 15/7 (Ảnh: Reuters).
Cựu Tổng thống Donald Trump bị bắn sượt qua tai khi đang phát biểu trong một cuộc vận động tranh cử ở Pennsylvania hôm 13/7. Các phương tiện truyền thông nhanh chóng tràn ngập những bức ảnh ông Trump mặt dính máu, giơ nắm đấm thách thức khi được các nhân viên an ninh hộ tống khỏi sân khấu.
Hình ảnh này của ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa được cho là sẽ thu hút sự chú ý của cử tri. Những tuần trước đó, ông Trump mắc kẹt trong cuộc đua sít sao với người kế nhiệm, Tổng thống Joe Biden, nhưng cựu tổng thống ngày càng dẫn trước trong một số cuộc thăm dò sau cuộc tranh luận giữa hai ứng viên tổng thống hồi đầu tháng.
Bình luận về vụ tấn công gần đây, Zhang Jiadong, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Mỹ của Đại học Phúc Đán, nhận định sự ủng hộ dành cho ông Trump có thể tăng lên "trong thời gian ngắn", nhưng điều đó sẽ kéo dài bao lâu tùy thuộc vào cuộc điều tra diễn ra như thế nào.
"Cử tri Mỹ sẽ trở lại lý trí về lâu dài. Trước vụ nổ súng, truyền thông Mỹ chủ yếu quan tâm đến ông Biden, tuổi tác và sức khỏe của ông ấy. Kiểu chú ý này rất có lợi cho ông Trump… Bây giờ tôi nghĩ sự chú ý dành cho ông Biden sẽ giảm đi và sự chú ý đó sẽ chuyển sang các vấn đề mới như an toàn súng đạn", chuyên gia Trung Quốc nói thêm.
Diao Daming, giáo sư chuyên nghiên cứu về Mỹ tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cũng cho biết cuộc tấn công có thể sẽ giúp ông Trump giành được một số thiện cảm, nhưng không rõ liệu có thể thuyết phục các cử tri "xoay chiều" không.
"Sự cố bất ngờ này sẽ củng cố sự ủng hộ mà ông Trump đã nhận được và có thể giúp ông thu hút được sự ủng hộ từ các cử tri khác trong phe bảo thủ, những người đang do dự vì các vấn đề cá nhân và các cáo trạng của ông", chuyên gia Diao nhận định.
"Về cơ bản, hai bên đã có một thế trận ngang bằng. Vì vậy, nếu bên nào có vấn đề, dù thuận lợi hay bất lợi, không nhất thiết là bên kia sẽ có lợi thế", ông Diao cho biết.
Cả Trump và Biden đều được coi là có những điểm yếu riêng. Trong khi ông Trump vướng vào các cáo buộc gian lận bầu cử và chi tiền bịt miệng, công chúng Mỹ cũng ngày càng lo ngại về sức khỏe của ông Biden, thậm chí các thành viên cấp cao của đảng Dân chủ kêu gọi ông từ chức.
Chính sách với Trung Quốc
Chuyên gia Zhang Jiadong cho rằng, mặc dù vẫn còn nhiều điều không chắc chắn trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, nhưng điều chắc chắn là cả ông Trump và ông Biden sẽ có lập trường cứng rắn với Trung Quốc.
Ông Trump từng cảnh báo việc "chống lại Trung Quốc" có thể là ưu tiên chính sách đối ngoại lớn nhất của ông nếu tái đắc cử.
Trong nhiệm kỳ 2017-2021, ông Trump đã coi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh chiến lược" của Mỹ và phát động cuộc chiến thương mại chống lại Bắc Kinh. Di sản đó đã được Tổng thống Biden tiếp nối, khi tiếp tục mở rộng sự cạnh tranh sang lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, ông Biden cũng tìm cách ổn định quan hệ như một phần trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc.
Theo ông Zhang, "chính sách của đảng Dân chủ đối với Trung Quốc nhấn mạnh đến sự cân bằng".
"Họ muốn tập trung vào sự ổn định, duy trì nguyên trạng và có nhiều vấn đề cấp bách hơn cần giải quyết như xung đột ở Ukraine và Gaza", chuyên gia Zhang nói.
Trong khi đó, theo ông Zhang, đảng Cộng hòa và ông Trump "nhấn mạnh nhiều hơn đến lợi ích và an ninh của chính nước Mỹ".
"Ông Trump tin rằng cho dù kết quả của các cuộc chiến ở Ukraine và Gaza có ra sao đi chăng nữa, điều đó không phải là mối đe dọa đối với Mỹ và sẽ không lật đổ vị thế của nước này trên trường quốc tế. Chỉ Trung Quốc mới có khả năng này, vì vậy họ sẽ tự nhiên đi đến kết luận rằng chính sách đối ngoại của Mỹ nên tập trung vào Trung Quốc", chuyên gia Zhang nói thêm.
Một dự thảo cương lĩnh của đảng Cộng hòa được công bố vào tuần trước đã kêu gọi thu hồi quy chế thương mại "quốc gia được ưu đãi nhất" của Trung Quốc, trong khi đặt mục tiêu "chống lại Trung Quốc" trong việc xây dựng sức mạnh quân sự.
Zhu Feng, giáo sư chuyên về quan hệ Mỹ - Trung tại Đại học Nam Kinh, dự đoán nếu ông Trump giành chiến thắng, quan hệ Mỹ - Trung có thể trở nên căng thẳng hơn nếu ông đưa những người có lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong chính quyền cũ của mình trở lại nội các mới, chẳng hạn như cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Khi ông Trump được cho là đang tập hợp các quan chức trong chính quyền trước đây để thành lập nội các mới, nhiều người đã hối thúc ông hành động cứng rắn hơn với Bắc Kinh, bao gồm cựu cố vấn an ninh Robert O'Brien, người đã kêu gọi tăng cường hỗ trợ cho Đài Loan.
Ông Trump cũng công bố thượng nghị sĩ J.D. Vance, người nổi tiếng với lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, làm ứng cử viên phó tổng thống trong cuộc bầu cử Mỹ năm nay.
Theo SCMP
Nguồn: Báo điện tử Dân trí