Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ra lệnh đóng cửa các trường học trên toàn quốc từ tuần sau, siết chặt các hạn chế Covid-19.

Tổng thống Macron hôm 31/1 ra lệnh đóng cửa trường học, hạn chế đi lại khắp nước Pháp, đóng cửa những cửa hàng không thiết yếu trên toàn quốc. Tuy nhiên, ông không yêu cầu mọi người ở trong nhà hay tránh hoàn toàn giao tiếp xã hội, cho phép người dân đi lại giữa các khu vực với nhau bởi lễ Phục sinh sắp đến vào cuối tuần tới.

“Chúng tôi đã áp dụng một chiến lược từ đầu năm nay nhằm mục đích kiểm soát dịch bệnh mà không phải đóng cửa”, ông nói trong bài phát biểu trước toàn quốc. Không phong tỏa vào tháng một nghĩa là “chúng ta đã có được những tuần tự do đáng quý, những tuần cho con cái học tập, cho phép hàng trăm nghìn người lao động tiếp tục đi làm, mà không mất kiểm soát đại dịch”.

42 1 Phap Dong Cua Truong Hoc

Tổng thống Pháp trong bài phát biểu về chiến lược chống Covid-19 phát đi trên truyền hình hôm 31/3. Ảnh: AFP

Macron cho hay những nỗ lực hiện tại nhằm kiềm chế virus “là quá hạn chế vào thời điểm dịch bệnh gia tăng”, cảnh báo biến chủng Anh dễ lây nhiễm có thể khiến Pháp mất kiểm soát.

Tổng thống Pháp tuyên bố từ 5/4, các nhà trẻ, mẫu giáo và tiểu học sẽ đóng cửa trong ba tuần, còn trường trung học sẽ đóng cửa trong 4 tuần, bao gồm hai tuần nghỉ xuân.

Từ đêm 3/4 và trong 4 tuần tới, hạn chế đi lại sẽ áp dụng trên toàn quốc, cửa hàng không thiết yếu sẽ đóng cửa theo những biện pháp đã được ban hành tại các điểm nóng về Covid-19 như Paris.

Tuy nhiên, một số địa điểm văn hóa và quán cà phê mở sẽ được phép hoạt động lại vào giữa tháng 5 “theo quy định nghiêm ngặt”. Tổng thống cũng ủng hộ triển khai tiêm chủng, theo đuổi mục tiêu tiêm chủng cho tất cả những người trên 18 tuổi có nhu cầu vào cuối mùa mè. Người trên 60 tuổi sẽ tiêm chủng từ 16/4, còn những người trên 50 sẽ tiêm từ ngày 15/5.

“Nhờ vaccine, con đường thoát khỏi khủng hoảng đang xuất hiện”, Macron nói. “Chúng tôi sẽ làm mọi cách để tiêm chủng, tiêm chủng, tiêm chủng! Không nghỉ ngơi, không nghỉ lễ. Làm việc cả thứ bảy và chủ nhật giống ngày thường”.

Câu hỏi đặt ra là những biện pháp mới có đủ để đảo ngược số ca nhiễm đang gia tăng mạnh với tốc độ hơn 40.000 ca mỗi ngày, gấp đôi mức đầu tháng hay không.

Pháp ghi nhận 53.000 ca nhiễm mới hôm 31/3 nhưng đây là con số tổng hợp trong hai ngày vì hôm 30/3 họ không cập nhật dữ liệu. Pháp báo cáo 304 ca tử vong mới, nâng tổng số người chết vì Covid-19 lên hơn 95.660 người.

Với thời tiết ấm áp và có nắng hôm 31/3, các nhóm thanh niên đã tụ tập nơi công cộng khắp Paris, phớt lờ quy định cấm uống rượu bên ngoài. Trước bài phát biểu của Macron, Liên đoàn Bệnh viện Pháp (FHF) đã kêu gọi ông ban lệnh “phong tỏa nghiêm ngặt ngay lập tức”.

Mối đe dọa trong cuộc khủng hoảng hiện nay của Pháp là sức khỏe của 70 triệu người, số phận của nền kinh tế lớn thứ hai khu vực sử dụng đồng EUR và cả tương lai chính trị của Macron bởi còn một năm nữa là tới bầu cử tổng thống.

Các nhà phân tích cho rằng cách Macron xử lý khủng hoảng sức khỏe và kinh tế do đại dịch gây ra sẽ là điều quan trọng nhất với cử tri vào tháng 4 và tháng 5 tới. Tổng thống Pháp ghi nhận những chỉ trích từ phe đối thủ, bày tỏ “ở mỗi giai đoạn của đại dịch, chúng tôi đã tự nhủ có thể làm tốt hơn, rằng chúng tôi đã từng mắc sai lầm. Tất cả đều đúng”.

Stephane Zumsteeg, người đứng đầu khảo sát thăm dò của Iposos ở Pháp, cho hay các cử tri sẽ đánh giá Macron bằng cách so sánh Pháp với các nước láng giềng EU.

“Tất nhiên có rất nhiều điều có thể xảy ra trong năm tới nhưng tại thời điểm này, Emmanuel Macron vẫn là người được ưa thích nhất trong cuộc bầu cử năm tới. Không phải vì ông ấy là người giỏi nhất hay là người được yêu mến nhất, mà vì không còn ứng viên sáng giá nào khác ngoài Marine Le Pen”, Zumsteeg nói.

Nguồn: Vnexpress




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC