Hình ảnh ở Biển Đông mà phóng viên Chiara Zambrano của Đài ABS-CBN chụp khi có mặt trên chuyến bay tuần tra của Philippines ở Biển Đông hôm 30-3 - Ảnh: cắt từ video clip của Chiara Zambrano
Đưa phóng viên đi cùng máy bay tuần tra
Theo SCMP, Trung Quốc đã cảnh báo qua radio yêu cầu máy bay Philippines "tránh xa", "lập tức rời đi" khi máy bay bay thấp qua các rạn san hô gần nơi tàu Trung Quốc neo đậu ở đá Ba Đầu, phía Philippines đã phớt lờ.
Trả lời phỏng vấn báo chí, người phát ngôn của quân lực Philippines, thiếu tướng Edgard Arevalo, khẳng định: "Chúng tôi thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra bằng không quân và hải quân bên cạnh các biện pháp khác để tăng cường nhận thức về các tình huống trên biển".
"Đây là máy bay của Chính phủ Philippines đang tiến hành tuần tra hàng hải định kỳ trên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Chúng tôi đang tiến hành theo lộ trình đã định của mình", tướng Arevalo nhấn mạnh.
Philippines cho rằng đá Ba Đầu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình, đồng thời khẳng định việc tăng cường tuần tra trong khu vực là nhằm bảo vệ các ngư dân và quyền chủ quyền của nước này.
Ông Arevalo xác nhận theo đề nghị được tham gia tuần tra chủ quyền trên không, phóng viên của ít nhất 5 cơ quan báo đài đã có mặt trên chuyến tuần tra Biển Đông hôm 30-3. Ông Arevalo khẳng định Philippines sẽ tiếp tục việc tuần tra, vì đây là nhiệm vụ hiến định của các lực lượng vũ trang để bảo vệ chủ quyền đất nước.
Ảnh vệ tinh chụp ngày 23-3 cho thấy các tàu Trung Quốc đang neo tại đá Ba Đầu trên Biển Đông - Ảnh: AFP/Maxar Technologies cung cấp
Trung Quốc xua đuổi đến 5 lần
Theo tường thuật của Chiara Zambrano, phóng viên của Đài ABS-CBN có mặt trên máy bay của Philippines, chiếc máy bay này bị "thử thách ít nhất 5 lần" khi bay qua đá Châu Viên (Calderon Reef), đá Vành Khăn (Mischief Reef) và Gạc Ma (Johnson Reef) ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Trong khi đó, theo Đài CNN Philippines ngày 31-3, các tàu Trung Quốc xuất hiện tại đá Ba Đầu đã phát thông điệp "hãy rời ngay lập tức" qua radio, khi máy bay Philippines bay vào khu vực này. Ít nhất 5 thông điệp qua radio - gồm cả tuyên bố "đây là đá của Trung Quốc" - đã được tàu Trung Quốc gửi đi hôm 30-3.
Trong bài viết trên Twitter, phóng viên Zambrano nói mình cảm thấy ớn lạnh khi tận mắt chứng kiến những hòn đảo do Trung Quốc cải tạo đã hoàn thành nhằm khẳng định yêu sách phi pháp của họ ở Biển Đông.
Video của Chiara Zambrano, phóng viên của Đài ABS-CBN khi có mặt trên máy bay bay qua các thực thể trên Biển Đông - Nguồn: Chiara Zambrano
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tuyên bố nước này sẽ tăng cường "tuần tra chủ quyền" để đáp trả việc khoảng 200 tàu dân quân Trung Quốc tập trung gần đá Ba Đầu, một rạn san hô có hình chữ V, thuộc cụm Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ngày 31-3, Philippines cho biết bất chấp yêu cầu rút đội tàu ngay lập tức, hàng trăm tàu dân quân Trung Quốc hiện diện ở Đá Ba Đầu đã tản ra một khu vực rộng lớn hơn ở Biển Đông.
Ông Lorenzana tố các tàu của Trung Quốc là tàu dân quân trong khi đại sứ quán Trung Quốc tại Manila giải thích đây là các tàu cá trú ẩn để tránh biển động.
Lực lượng đặc nhiệm trên biển Tây Philippines, cách Manila gọi Biển Đông, cho biết họ "quan ngại sâu sắc về sự hiện diện bất hợp pháp liên tục và tràn ngập của lực lượng dân quân hàng hải Trung Quốc, hiện vẫn chưa chịu rời đi".
Lực lượng này khẳng định Philippines và cộng đồng quốc tế không bao giờ chấp nhận tuyên bố của Trung Quốc về cái gọi là "chủ quyền tích hợp không thể tranh cãi" đối với gần như toàn bộ Biển Đông của nước này.
Trong cuộc họp báo ngày 25-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh tàu cá Trung Quốc ở đá Ba Đầu đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển và đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc.
"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện Công ước, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực", bà Thu Hằng nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online