Đàn chó hoang 4 triệu con khiến Thổ Nhĩ Kỳ đau đầu tìm cách triệt sản hoặc tiêu diệt, nhưng bị các nhà bảo vệ động vật phản đối.

Video người qua đường vội vàng giúp đỡ một phụ nữ lớn tuổi bị chó hoang tấn công trên đường phố Istanbul đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Thổ Nhĩ Kỳ gần đây, gây chia rẽ giữa phe mất kiên nhẫn với chó hoang và phe đồng cảm với chúng.

1 Tho Nhi Ky Tranh Cai Ve Cach Xu Ly 4 Trieu Con Cho Hoang

Người phụ nữ và bé gái nhìn chó hoang trên quảng trường Taksim, thành phố Istanbul, ngày 30/5. Ảnh: AFP

Phe phản đối đang thuyết phục chính phủ ban hành luật hạn chế số lượng chó hoang, thậm chí là diệt trừ chúng. "Chúng tôi muốn đường phố sạch bóng chó hoang", là câu khẩu hiệu thường xuất hiện.

Dự luật được đề xuất cho phép mở chiến dịch truy quét, bắt chó hoang, triệt sản hoặc thiến để ngăn chúng sinh sản. Những con không có người nhận nuôi trong vòng 30 ngày sẽ bị tiêu hủy.

Trước tình trạng đàn chó hoang đã lên tới 4 triệu con, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 29/5 cho rằng "cần áp dụng các biện pháp triệt để hơn".

"Chúng ta đang đối mặt vấn nạn chó hoang, vốn không tồn tại ở bất kỳ nước phát triển nào", ông nói, đồng thời nhắc đến các vụ mắc bệnh dại và tai nạn giao thông liên quan đến chó hoang.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Thổ Nhĩ Kỳ vào danh sách quốc gia "có nguy cơ cao" về bệnh dại. Chính phủ nước này cho hay cho hoang gây ra hơn 3.500 vụ tai nạn giao thông trong 5 năm qua, khiến 55 người chết và hơn 5.000 người bị thương.

Dự luật sẽ sớm trình quốc hội thông qua, nhưng nó đang vấp phải chỉ trích kịch liệt từ phía các nhà hoạt động vì phúc lợi động vật. Họ lên kế hoạch biểu tình ở Istanbul vào ngày 2/6.

Họ cho rằng nếu được thông qua, luật sẽ dẫn tới một vụ thảm sát chó, đồng thời nhắc lại ý ức về thảm kịch thời Ottoman. Năm 1910, khoảng 60.000 con chó hoang ở Istanbul bị đưa tới hoang mạc Hayirsizada ở Biển Marmara. Không có đồ ăn, lũ chó cắn xé lẫn nhau để sinh tồn.

Haydar Ozkan, phó chủ tịch Liên đoàn Quyền động vật Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng chính phủ nên rút kinh nghiệm từ thảm kịch và ưu tiên triệt sản, tìm nơi trú ẩn cho chó.

"Không có trại cưu mang chó nào ở 1.100 trong số 1.394 địa phương ở Thổ Nhĩ Kỳ", Ozkan nói, lưu ý một số ít trại chó không có phương tiện triệt sản.

Một điều luật có hiệu lực từ năm 2021 quy định chính quyền địa phương phải xây dựng trại chó theo quy mô cộng đồng, nhưng các nhà hoạt động cho rằng nguồn lực phân bổ cho xây dựng trại chó quá ít.

Đối mặt làn sóng chia rẽ vì tranh cãi, Bộ trưởng Nông nghiệp Ibrahim Yumakli cho hay "có thể kiểm soát đàn chó hoang gia tăng bằng cách triệt sản 70% lượng chó hàng năm". Tuy nhiên, trong 5 năm qua, mỗi năm trung bình chỉ có 260.000 chó hoang được triệt sản.

Tổng thống Erdogan nói rằng con số trên cho thấy "các biện pháp trước đây không hiệu quả" và "vấn đề này cần giải quyết nhanh nhất có thể để đảm bảo an toàn đường phố cho mọi người, nhất là trẻ em".

Hiệp hội Thú y Thổ Nhĩ Kỳ phản đối các kế hoạch hạ sát chó hoang, cho hay họ không được chính phủ tham vấn. "Giết chó không phải giải pháp. Số lượng chó có thể giảm trong thời gian ngắn nếu triệt sản tốt", hiệp hội tuyên bố.

Hồng Hạnh (Theo AFP)

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC