Trong bối cảnh gói cứu trợ Covid-19 vừa được ký, Tổng thống Biden được cho sẽ tích cực xuất hiện trước công chúng để nhấn mạnh lợi ích của đạo luật này.  

Trong những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, ông Joe Biden thúc đẩy chương trình tiêm chủng Covid-19 và nỗ lực để gói cứu trợ khổng lồ đối phó với đại dịch được thông qua.

Với đạo luật trị giá 1.900 tỷ USD này, người đứng đầu Nhà Trắng đang chuẩn bị bước vào giai đoạn mới và xuất hiện nhiều hơn trước công chúng, theo Politico. Ông Biden đã có bài phát biểu trực tiếp trong khung giờ vàng đầu tiên, được phát lúc 20h ngày 11/3.

"Tất cả người Mỹ trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên) sẽ được đưa vào nhóm hợp lệ trên tất cả bang ở nước Mỹ để được tiêm vaccine", Tổng thống Biden khẳng định.

Cuối tháng này, tổng thống Mỹ sẽ tổ chức cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Ông cam kết sẽ có bài phát biểu khác trước quốc hội.

Các quan chức cũng đang bận rộn chuẩn bị thu hút sự chú ý của công chúng đến những lợi ích mà gói cứu trợ này mang lại.

42 1 Tong Thong Biden Chuan Bi Phu Song

Tổng thống Joe Biden được cho sẽ xuất hiện nhiều hơn trước công chúng trong thời gian tới. Ảnh: Getty.

Tránh "sai lầm của Obama"

Tổng thống Biden và đệ nhất phu nhân cùng với Phó tổng thống Kamala Harris sẽ nhấn mạnh về những lợi ích khác nhau cũng gói cứu trợ. Ví dụ, việc hàng tỷ USD này sẽ giúp các trường học mở cửa trở lại như thế nào, và số tiền được đầu tư để đẩy mạnh chương trình tiêm chủng ra sao.

"Nhiều người dùng thuật ngữ 'màn ăn mừng chiến thắng' để miêu tả điều này một cách xúc phạm. Thật là tào lao. Theo tôi, một trong những sai lầm - nếu không muốn nói là lớn nhất - mà ông Obama phạm phải là thi hành xong Đạo luật Khôi phục mà không giải thích cho mọi người về những gì ông ấy đã làm", Jim Clyburn, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ, đồng minh thân cận của ông Biden, nói với Politico.

Tổng thống Biden và các quan chức cấp cao thừa nhận sẽ cố gắng hơn nữa để công chúng nhận thức đầy đủ về lợi ích của gói cứu trợ.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 9/3 cho biết: "Chúng tôi sẽ cần phải làm một số việc và sử dụng tối đa tiếng nói của mình về đạo luật này".

Trước khi gói cứu trợ được thông qua, chiến lược của Nhà Trắng là bảo vệ ông Biden khỏi những khoảnh khắc "lỡ lời" với báo chí. Suốt thời gian đó, họ không muốn ông xuất hiện nhiều trước cánh phóng viên.

Tuy nhiên, nếu muốn nhấn mạnh lợi ích của gói cứu trợ trong thời gian tới, Tổng thống Biden cần chuẩn bị tâm thế mới: Tích cực trao đổi riêng với các nhà lập pháp, tương tác nhiều hơn với báo chí và xuất hiện trước công chúng.

Việc này sẽ giúp lời kêu gọi của ông thuyết phục hơn, Politico nhận định.

42 2 Tong Thong Biden Chuan Bi Phu Song

Tổng thống Joe Biden ký duyệt đạo luật Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ với mức chi ngân sách 1.900 tỷ USD vào ngày 11/3 tại Phòng Bầu dục. Ảnh: AP.

Hiện ông Biden có ưu thế vì sự ủng hộ đối với đạo luật cứu trợ Covid-19 đang rất cao. Người dân Mỹ cũng rất tin tưởng vào khả năng xử lý đại dịch của tổng thống mới.

Dù các quan chức chính quyền đã cố tình tránh các mối liên hệ giữa đạo luật này với cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022, các đảng viên Dân chủ cấp cao cho rằng hai điều này vẫn liên quan đến nhau.

Dan Pfeiffer, cựu quan chức cấp cao dưới thời Tổng thống Obama, cho rằng thách thức đối với Nhà Trắng của ông Biden là trận chiến bầu cử năm 2022.

Ông Pfeiffer lập luận rằng nguyên nhân đảng Dân chủ phải chật vật với cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2010 không phải do ông Obama thiếu nỗ lực. Sự cố gắng của ông Obama không thể lấn át được những tin tức tiêu cực về tình hình kinh tế ở thời điểm đó.

Nói với Politico, cựu quan chức này cho rằng lợi ích của gói cứu trợ do ông Biden thúc đẩy có phần cụ thể và dễ hiểu hơn so với kế hoạch phục hồi của ông Obama. Và những thách thức Nhà Trắng hiện tại phải đối mặt cũng giống những thách thức họ gặp phải năm 2009.

Phủ sóng truyền thông

Để hướng tới tối đa hóa lợi ích của gói cứu trợ cho chính quyền ông Biden, một trong những gợi ý mà ông Pfeiffer đưa ra là "phủ sóng" bằng video, biểu đồ và đồ họa về đạo luật này.

Đạo luật chính thức qua ải lưỡng viện vào ngày 10/3. Tại Hạ viện, nó được thông qua với 220 phiếu thuận và 211 phiếu chống, thể hiện sự chia rẽ lớn giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Tại Thượng viện Mỹ, không thượng nghị sĩ nào thuộc đảng Cộng hòa bỏ phiếu thuận.

Hơn 400 thị trưởng và thống đốc lưỡng đảng, cán bộ trong tổ chức lao động và cộng đồng doanh nghiệp, các nhà kinh tế và các chuyên gia khác có đánh giá tích cực về gói cứu trợ này.

Phil Smith, người đứng đầu các vấn đề chính phủ của United Mine Worker of America (tổ chức công đoàn của công nhân mỏ than ở Mỹ), cho biết gói cứu trợ này là "điểm tựa" để đảm bảo tiền lương hưu cho họ.

Tổ chức này cũng hoan nghênh các khoản cứu trợ cho hàng nghìn công nhân mỏ thất nghiệp.

42 3 Tong Thong Biden Chuan Bi Phu Song

Nhân viên y tế được tiêm vaccine Covid-19 của Moderna ở New Jersey, Mỹ. Ảnh: New York Times.

Điều đáng chú ý nhất của gói cứu trợ này là tiền sẽ đổ trực tiếp vào túi của người dân. Một số người có thể nhận được tiền ngay cuối tuần này, theo AP.

Ngoài ra, một nhóm người Mỹ còn được gia hạn phúc lợi thất nghiệp khẩn cấp đến đầu tháng 9, ở mức 300 USD/tuần.

Nhiều biện pháp hỗ trợ cho trẻ em, chăm sóc trẻ em, nghỉ phép vì gia đình, người thuê nhà, cung cấp lương thực cho các hộ gia đình, và tiện ích công cũng được bao gồm trong đạo luật.

Trong các chuyến đi đến các tiểu bang để quảng bá cho gói cứu trợ, ông Biden và các quan chức sẽ nhấn mạnh việc một gia đình 4 người có cơ hội nhận được 8.200 USD tiền cứu trợ.

Unite the Country, một siêu ủy ban hành động chính trị (PAC) ủng hộ ông Biden, dự định khởi động kế hoạch riêng để truyền thông về gói cứu trợ. Họ sẽ chạy quảng cáo trên các nền tảng kỹ thuật số và truyền hình ở các bang chiến trường của cuộc bầu cử năm 2022.

Một số nhóm chính trị đồng minh của tổng thống Mỹ cũng đang chuẩn bị cho chiến dịch truyền thông riêng ủng hộ gói cứu trợ.

Tuy nhiên, như thư ký báo chí Psaki xác nhận hôm 9/3, Nhà Trắng có giới hạn nhất định trong hoạt động quảng bá cho gói cứu trợ. Theo đó, các quan chức sẽ không đưa tên của Tổng thống Biden lên séc tiền cứu trợ. Đó là điểm khác biệt so với cựu Tổng thống Donald Trump.

Bà Psaki lập luận rằng đó là không cần thiết, vì điểm mấu chốt là khoản tiền này nhằm cứu trợ người dân.

"Tôi không nghĩ cần phải làm điều đó. Tôi nghĩ người Mỹ chỉ muốn những tờ séc có giá trị", thư ký báo chí Nhà Trắng nói.

Hương Ly

Nguồn: zingnews.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC