Tổng thống Ferdinand Marcos Jr của Philippines tuyên bố sẽ ngăn chặn hành động gây hấn của Trung Quốc - Ảnh: AFP
Ngày 29-5, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr lên tiếng về việc Trung Quốc ban hành quy định trong đó cho phép lực lượng hải cảnh nước này giam giữ người nước ngoài ở Biển Đông.
Quy định, có hiệu lực từ ngày 15-6, cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc tạm giữ tới 30 ngày người nước ngoài vi phạm luật xuất nhập cảnh, gây nguy hiểm cho an ninh và lợi ích quốc gia hoặc có hành vi hỗ trợ người khác vi phạm luật xuất nhập cảnh Trung Quốc. Thời hạn giam giữ "không qua xét xử" có thể lên đến 60 ngày trong một số trường hợp.
Quy định được đặt ra giữa lúc căng thẳng leo thang sau hàng loạt vụ đụng độ giữa tàu Trung Quốc và tàu Philippines ở Biển Đông thời gian qua.
"Chính sách mới đe dọa bắt giữ công dân của chúng tôi lại khác. Đó là sự leo thang tình hình", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Marcos nói.
Nhà lãnh đạo Philippines khẳng định Manila "sẽ sử dụng bất kỳ điểm liên lạc nào với Trung Quốc để ngăn chặn các hành động gây hấn" và cho phép ngư dân Philippines đánh cá ở Biển Đông. Nếu các hành động hung hăng được quản lý "thì chúng tôi có thể làm ăn một cách hòa bình".
Ông Marcos được đánh giá có quan điểm cứng rắn hơn người tiền nhiệm về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, với sự ủng hộ từ đồng minh Mỹ, cũng như Nhật Bản và Úc.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, bác bỏ phán quyết quốc tế nói rằng tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với vùng biển này không có cơ sở pháp lý.
Phán quyết ngày 12-7-2016, do Hội đồng trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, nhấn mạnh Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để yêu cầu quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên vượt quá các quyền mà UNCLOS quy định.
Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền
Chiều 23-5, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, phó phát ngôn Đoàn Khắc Việt đã trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về một quy định mới liên quan hải cảnh Trung Quốc.
Về vấn đề này, phó phát ngôn Đoàn Khắc Việt nhắc lại quan điểm, lập trường của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông.
Ông nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý, cơ sở lịch sử để khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
"Việt Nam luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại các vùng biển, cũng như lợi ích hợp pháp chính đáng của công dân Việt Nam phù hợp với UNCLOS 1982 và luật pháp của Việt Nam", phó phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định.
TRẦN PHƯƠNG
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online