Người phát ngôn Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản bác thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ trong đó cáo buộc Bắc Kinh "uy hiếp hoạt động dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông"
Trong một động thái hiếm hoi khi đưa ra thông cáo hôm 26/8, Bộ Quốc phòng Mỹ cáo buộc Bắc Kinh dùng "các thủ đoạn bắt nạt" khi trở lại "can thiệp mang tính uy hiếp" nhắm vào các hoạt động dầu khí lâu nay của Việt Nam, tạo ra tình trạng đối đầu giữa các tàu hải cảnh Trung Quốc và Việt Nam suốt gần 2 tháng qua.
Đề cập đến sự việc giữa Việt Nam và Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng được Xinhua trích lời nói với các phóng viên tại Bắc Kinh hôm 27/8 rằng "đúng hay sai của sự việc này là khá rõ ràng."
Ông Cảnh nói rằng "Mỹ đã phát ngôn thiếu trách nhiệm hết lần này đến lần khác, coi thường sự thật và đổi trắng thay đen," theo hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc.
"Trung Quốc kiên quyết phản đối điều đó," người phát ngôn của Bắc Kinh nói.
Tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc hôm 13/8 quay trở lại hoạt động tại vùng biển mà Việt Nam nói là vùng đặc quyền kinh tế của họ sau khi rời khỏi đó gần 1 tuần. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội Lê Thị Thu Hằng đã vài lần đưa ra phản đối việc Trung Quốc "vi phạm nghiêm trọng" chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc tút tàu Hải Dương 8 và các tàu hộ tống "ra khỏi vùng biển Việt Nam."
Theo dữ liệu theo dõi tàu biển được Reuters trích dẫn, tàu Hải Dương 8 hôm 23/8 đã mở rộng hoạt động tới một khu vực gần bờ biển Việt Nam sau khi Mỹ và Úc bày tỏ lo ngại về các hành động của Trung Quốc trong vùng biển có tranh chấp.
Trước đó, trong một lần trả lời yêu cầu bình luận của phóng viên hôm 19/8 về thông tin tàu Hải Dương 8 quay trở lại hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ông Cảnh nói rằng "con tàu có liên quan của Trung Quốc đã luôn hoạt động trong vùng biển thuộc quyền tài phán" của nước họ.
Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 26/8 tố cáo hành động của Bắc Kinh hoàn toàn trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về một vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở và tự do, mà qua đó các nước lớn nhỏ được đảm bảo an toàn chủ quyền, không bị uy hiếp, và khuyến cáo Trung Quốc sẽ không đạt được lòng tin của các nước láng giềng hay sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế bằng cách duy trì các chiến thuật hiếp đáp.
Người phát ngôn của Bắc Kinh hôm 27/8 nói Trung Quốc "kiên quyết bảo vệ trật tự thế giới và tuân thủ luật pháp quốc tế, luôn thực thi các quyền hợp pháp của mình trong khu vực dựa trên luật pháp quốc tế" và yêu cầu Mỹ "đóng một vai trò tích cực và mang tính xây dựng trong các vấn đề quốc tế và khu vực."
Việt Nam và Trung Quốc nhiều năm qua đã vướng vào tranh chấp chủ quyền đối với vùng biển có tiềm năng năng lượng và là một tuyến đường vận tải nhộn nhịp ở Biển Đông.
Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố chủ quyền bằng một "đường chín đoạn" rộng lớn hình chữ U ở Biển Đông, chồng lên một phần lớn thềm lục địa Việt Nam nơi mà Việt Nam đã cấp phép khai thác dầu mỏ.
Nguồn: VOA